Nhìn lại 'di sản' và bước ngoặt đối với WTO sau một phần tư thế kỷ

Bước sang năm 2020, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - cơ quan quốc tế đặt ra các quy tắc thương mại toàn cầu - tròn 25 tuổi, đánh dấu một giai đoạn mà phần nào đã giúp thương mại quốc tế diễn ra suôn sẻ trong ¼ thế kỷ.

Như Tổng giám đốc WTO Roberto Azevêdo đã nhấn mạnh, các quy tắc ràng buộc đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh xuyên biên giới. Kể từ năm 1995, giá trị của thương mại thế giới tính theo đôla Mỹ đã tăng gần gấp bốn lần, trong khi khối lượng thương mại thế giới thực sự đã tăng gấp 2,7 lần. Điều này vượt xa mức tăng gấp hai lần GDP của thế giới cùng giai đoạn đó.

Trong khuôn khổ WTO, thuế quan trung bình đã giảm gần một nửa ở cả các nước phát triển và đang phát triển từ 10,5% xuống còn 6,4%. Thương mại dịch vụ đã phát triển nhanh hơn thương mại hàng hóa và thương mại kỹ thuật số cũng theo xu hướng tương tự. Đối với hàng chục nền kinh tế gia nhập WTO sau khi tổ chức này được thành lập, việc gia nhập liên quan đến các cải cách sâu rộng và các cam kết mở cửa thị trường đã thúc đẩy thu nhập quốc gia trong dài hạn. Hiện WTO có 164 thành viên đại diện cho 98% thương mại toàn cầu. Các điều kiện thị trường có thể dự đoán, được thúc đẩy bởi tổ chức này đã cho phép sự gia tăng của các chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở di chuyển các thành phần và dịch vụ liên quan trên nhiều địa điểm, các doanh nghiệp đã có thể phân chia sản xuất giữa các quốc gia và khu vực.

WTO đã tạo điều kiện cho thương mại, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển, bất chấp các quy tắc thay đổi của thương mại. Ý tưởng thúc đẩy thương mại đa phương bằng cách này hay cách khác đã giúp tăng trưởng thương mại ở các nước đang phát triển. WTO đã có rất nhiều thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại được quyết định trên các diễn đàn cho phép các nước kém phát triển nhất được hưởng lợi từ các thị trường miễn thuế, không có hạn ngạch. Các quốc gia hùng mạnh hiện có những lợi ích khác nhau đang gây thách thức các nguyên tắc thương mại toàn cầu mà WTO đã thúc đẩy trong những năm qua.

Chương trình nghị sự của Doha là một trong những hiệp định thương mại đã tạo ra sự khác biệt nghiêm trọng giữa các quốc gia đang phát triển, thách thức năng lực và vai trò của WTO. Nó được khởi xướng năm 2001, là vòng đàm phán mới nhất nhằm đạt được những cải cách lớn của hệ thống thương mại quốc tế thông qua việc đưa ra các rào cản thương mại thấp hơn và các quy tắc sửa đổi. Nhiều nước đang phát triển nghĩ rằng chương trình nghị sự này hứa hẹn những thay đổi thương mại lớn trong nông nghiệp, dịch vụ và sở hữu trí tuệ, nhưng sau nhiều cuộc đàm phán thất bại, không còn hy vọng nào.

Sau ¼ thế kỷ, WTO cũng đang đối mặt với các mối đe dọa đặc biệt là từ các nước phát triển, đặc biệt trong hai năm qua, đã yêu cầu cải cách tổ chức này. Mỹ, EU, Ấn Độ, Mexico, tất cả đều đang thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại thế giới. Điều đó đã dẫn đến các cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cáo buộc lẫn nhau về các hoạt động thương mại không công bằng và tiến xa hơn để áp thuế lên hàng trăm tỷ đôla hàng hóa của nhau.

Không thể phủ nhận những thách thức mà WTO đang phải đối mặt ngày hôm nay, đặc biệt là việc đưa ra các hạn chế thương mại của một số chính phủ trong hai năm qua, ảnh hưởng đến 747 tỷ USD hàng nhập khẩu toàn cầu vào năm 2019. Sự không chắc chắn gia tăng về điều kiện thị trường đang khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, cân nhắc tăng trưởng và tiềm năng trong tương lai của các nền kinh tế. Làm thế nào các chính phủ thành viên WTO đối mặt với những thách thức này sẽ định hình quá trình của nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới vẫn còn là câu hỏi cần lời giải đáp.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhin-lai-di-san-va-buoc-ngoat-doi-voi-wto-sau-mot-phan-tu-the-ky-131095.html