Nhìn lại để khẳng định sự thật lịch sử

Sau 12 kỳ liên tục chuyển tải những hồi ức, ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tiền Phong có cuộc trao đổi với GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS khẳng định, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 là một sự kiện lịch sử quan trọng cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc cũng như các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác. Đây cũng chính là cách tốt nhất để đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

Vinh danh những người bảo vệ tấc đất biên cương

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc từ tháng 2/1979 đến tháng 9/1989 là một sự kiện không thể nào quên của mọi người dân Việt Nam. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh), với chiều dài hơn 1.400km. Nhân dân Việt Nam, trước hết là quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã kiên cường anh dũng đánh trả để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và giành nhiều thắng lợi.

GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, dù Trung Quốc có biện minh dưới chiêu bài “phản kích tự vệ”, nhưng về thực chất đây là hành động xâm lược Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền.

Khẳng định, tất cả những người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu, GS Vũ Dương Ninh cho rằng, các sách giáo khoa về lịch sử, văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta từng viết về hai cuộc kháng chiến trước. “Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà”, GS Vũ Dương Ninh đề nghị.

PGS.TS Trần Đức Cường, phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc nhìn lại sự kiện này không phải để khoét sâu mối hận thù mà để nhắc lại một sự thật lịch sử, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Vị trí xứng đáng cho sự kiện lịch sử

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội, 40 năm cũng là một thời gian đủ dài để cả Trung Quốc và Việt Nam có điều kiện nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học để tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại. Nhưng cho dù nhìn từ bất kỳ góc độ nào thì cuộc tấn công của 60 vạn quân Trung Quốc năm 1979, gây cho Việt Nam những tổn thất nặng nề rõ ràng mang tính chất của một cuộc tiến công xâm lược. “Với ý nghĩa đó, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng cần có vị trí xứng đáng trong các bộ lịch sử của dân tộc cũng như các sách giáo khoa và các phương thức giáo dục lịch sử khác”, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

“Việc khẳng định và trình bày một khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 chính là cách tốt nhất để đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc”.

GS Vũ Minh Giang

GS Vũ Minh Giang cũng khẳng định: Việc khép lại quá khứ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc không nói về quá khứ mà là xác định lại sự kiện như nó đã từng xảy ra một cách khoa học, thay vì cứ đào bới, cường điệu, lợi dụng lịch sử để phục vụ cho động cơ nào đó. Hoàn toàn không nhắc tới lịch sử sẽ đồng nghĩa với che giấu lịch sử, điều không thể và không nên làm. Việc khẳng định và trình bày một cách khách quan, khoa học về cuộc chiến 1979 chính là cách tốt nhất để đẩy lùi những luận điệu xuyên tạc, dùng lịch sử để kích động đồng thời cũng là cách tốt nhất giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

“Cuộc chiến năm 1979 giống như một vết hằn lịch sử, là một cái hố ngăn trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Có quan điểm cho rằng nên lấp cái hố ấy đi. Đấy là việc không nên và không thể làm. Nó sinh ra muôn vàn hệ lụy. Cách tốt nhất là làm thế nào để cái hố ấy không bị khoét rộng ra để rồi mỗi khi đi qua trên cái cầu hữu nghị bắc qua cái hố ấy vẫn nhìn thấy những bài học đắt giá của lịch sử để trong tương lai một cái hố tương tự không bị đào thêm nữa”, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Giúp thế hệ trẻ hiểu rõ “sự thật của quá khứ”

GS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Bắc (17/2-18/3/1979) và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia ở vùng biên giới phía Bắc và ở biển Đông (1979-1991) là quá trình lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cũng giống như lịch sử cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam (1975-1978), quá trình lịch sử này cho tới nay còn chưa được nghiên cứu và trình bày đầy đủ trên các diễn đàn công khai ở Việt Nam, đặc biệt là nội dung giáo dục lịch sử trong trường phổ thông các cấp.

Theo ông Tung, khép lại quá khứ không có nghĩa là lảng tránh hay nói sai về quá khứ. Làm như vậy chỉ khiến nhận thức lịch sử trở nên tồi tệ hơn. Cần giúp học sinh nắm vững cách thức khám phá sự thật lịch sử về cuộc chiến một cách khoa học. Trên cơ sở đó, giáo viên nói rõ cho người học rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ. Hiểu rõ chúng để ngăn ngừa, không cho chúng tái sinh trong hiện tại và tương lai.

Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc được đặt liền mạch với cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngoài ra, các cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo sẽ được viết cụ thể ở sách Lịch sử lớp 11 và 12. “Theo cách này, học sinh sẽ được tìm hiểu lịch sử thuận lợi, sâu sắc hơn, tránh được bất kỳ sự can thiệp nào vào nội dung của chương trình giáo dục lịch sử nhân danh vấn đề nhạy cảm”, ông Tung khẳng định.

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/nhin-lai-de-khang-dinh-su-that-lich-su-1381810.tpo