Nhìn lại chuyến công du Đông Nam Á của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Sự kiện Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Singapore và Việt Nam vừa qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong khu vực và trên thế giới.

Khẳng định “Nước Mỹ trở lại”

Ông Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) - tác giả bài viết

Ông Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) - tác giả bài viết

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump dường như tạo ra cảm giác về sự "lạnh nhạt" của Mỹ đối với châu Á, ngoại trừ những tuyên bố và chính sách nhằm vào Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố “Nước Mỹ trở lại”, có thể hiểu là nước Mỹ trở lại với thế giới, với vị thế nước lớn, không phải là một nước Mỹ đang suy yếu hoặc một nước Mỹ bị cô lập.

Những hoạt động đối ngoại đầu tiên của chính quyền Biden tập trung vào châu Âu bằng loạt chuyến công du và hội đàm quan trọng với EU, G7, NATO... Đến lượt Phó Tổng thống Kamala Harris, nhân vật số hai trong chính quyền Joe Biden, đến châu Á, mà điểm dừng chân là Singapore và Việt Nam.

Singapore có vị trí chiến lược quan trọng. Quốc gia này có hải cảng nước sâu lớn, gần eo biển Malacca. Nơi đây hàng năm có đến một nửa lượng hàng hóa thế giới vận chuyển đường biển phải đi qua. Vậy nên Singapore luôn lên tiếng ủng hộ tự do hằng hải, điều mà nước Mỹ quan tâm nhất.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chào đón Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Evelyn Hockstein.

Về mặt an ninh, Singapore là điểm đến quan trọng trong cách tiếp cận của Mỹ. Singapore ủng hộ Mỹ đóng vai trò then chốt về an ninh, ổn định khu vực, cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự, trong đó có căn cứ Changi mà bà Harris vừa đến thăm. Mỹ xác định Singapore là cứ điểm chỉ huy hậu cần của Hải quân Mỹ để điều phối các hoạt động quân sự, cứu hộ cứu nạn và diễn tập, với sự có mặt thường xuyên của các tàu chiến ven bờ, máy bay tuần thám Poseidon P-8. Hai nước cũng hợp tác chặt chẽ về huấn luyện quân sự.

Kể từ khi hai nước ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2004, quan hệ kinh tế thương mai giữa hai nước phát triển đáng kể. Singapore trở thành nhà đầu tư châu Á lớn thứ 2 của Mỹ. Vốn đầu tư trực tiếp lũy kế là 65 tỷ USD. Đầu tư và xuất khẩu của Singapore sang Mỹ đã hỗ trợ 250.000 việc làm cho người Mỹ. Mỹ là nước đầu tư lớn nhất vào Singapore (khoảng 315 tỷ USD). Vì thế, việc Mỹ trao đổi với Singapore về tiến trình phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu là điều cần thiết.

Trong chuyến thăm tới Singapore của bà Harris, ngoài việc tái khẳng định mối quan hệ đặc biệt, tăng cường niềm tin, Mỹ và Singapore đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng như tăng cường hợp tác công nghệ then chốt, bảo hộ cơ sở hạ tầng then chốt, an ninh dữ liệu v.v...; đồng ý triển khai đối thoại về phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu; cam kết sẽ tiến hành hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, ứng phó với đại dịch COVID...

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Mỹ muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam

Trong ASEAN, Mỹ và nhiều quốc gia thấy vai trò quan trọng của Việt Nam.

Thứ nhất, về kinh tế, Việt Nam là quốc gia phát triển năng động. Trong lúc khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng dương. Điều này rất có lợi trong nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam với các nước nhằm củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế được nâng cao rõ rệt. Việt Nam đã đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng cho khu vực ASEAN. Tiếng nói của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc được cộng đồng quốc tế coi trọng.

Thứ ba, trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, Việt Nam có những thành tựu nhất định.

Như vậy, có thể thấy Mỹ coi ASEAN như là một trụ cột của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, là cấu trúc xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển dựa trên luật lệ quốc tế. Trong ASEAN, Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Trong bản Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời của Mỹ ra đời sau khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền chỉ hơn một tháng, đã nêu cụ thể “sẽ làm việc với Singapore, Việt Nam và các quốc gia thành viên khác thuộc Hiệp hội ASEAN, để thúc đẩy các mục tiêu chung”. Chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Tổng thống Kamala Harris cho thấy cam kết cụ thể của Mỹ thay vì lời nói.

Trải qua 26 năm, quan hệ Việt - Mỹ không ngừng được củng cố và tăng cường, hai nước duy trì chặt chẽ quan hệ Đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực; hợp tác giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh...

Nguyễn Vinh Quang - Cố vấn Cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhin-lai-chuyen-cong-du-dong-nam-a-cua-pho-tong-thong-my-kamala-harris-post1371458.tpo