Nhìn lại chính sách dầu mỏ những năm 1980 từng góp phần khiến Liên Xô sụp đổ

Năm 1985, trong bối cảnh sản xuất dầu thô thế giới dư thừa, Saudi Arabia bất ngờ quyết định tăng sản lượng khai thác 'vàng đen', điều này ngay lập tức đẩy giá dầu lao dốc. Việc giá dầu sụt giảm đã giáng đòn mạnh vào cả nền kinh tế Liên Xô khi đó.

Chính sách dầu mỏ của Saudi Arabia

Các nước xuất khẩu dầu mỏ quan tâm đến việc làm thế nào để hàng hóa của họ thường xuyên bán chạy, trong khi bên bán cần giá cao, còn bên mua cần giá thấp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hiệu quả cơ chế định giá được đảm bảo cho đến khi bị một bên lớn nhất trên thị trường can thiệp vào chuyện này. Tháng 10-1973, nhà vua Saudi Arabia Faisal bin Abdul Aziz Al-Saud quyết định tận dụng lợi thế của nước mình và đưa dầu mỏ ra khỏi lưu thông thương mại quốc tế, vốn có lượng cung chiếm 25% thị phần dầu mỏ thế giới. Hưởng ứng cùng Saudi Arabia có cả những nước khai thác dầu mỏ khác ở khu vực Trung Đông, bằng cách giảm sâu lượng dầu bán ra. Chỉ trong một tháng, giá “vàng đen” tăng vọt từ 3 USD lên 12 USD mỗi thùng.

Giá dầu tăng phi mã đã buộc nhiều nước xem xét lại chiến lược của mình. Anh và Nauy bắt đầu khai thác những mỏ dầu mới trên thềm lục địa Biển Bắc. Theo đó, sản phẩm khai thác được là dầu thô Brent, loại dầu sau này trở thành chuẩn mực giá toàn cầu đối với “vàng đen”. Hoa Kỳ lúc này buộc phải chuyển sang khai thác dầu thô ở vùng Alaska.

Thế nhưng, đối với vương quốc Vùng Vịnh thì đây là thời kỳ phát triển như vũ bão. Nhờ có hệ thống Petrodollars (Đô la dầu lửa), trên vùng sa mạc đã mọc lên như nấm những thành phố nguy nga tráng lệ, trong khi các tộc trưởng Saudi Arabia trở thành những người giàu có nhất. Saudi Arabia bắt đầu được thế giới nhìn nhận như một thế lực chính trị và kinh tế thực sự.

Giá hydrocarbon tăng đã mang lại cho các công ty dầu mỏ của Liên Xô nguồn thu nhập chưa từng có, tiếp theo là giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Nguồn thu từ ngành dầu khí chiếm hơn 50% ngân sách Liên Xô. Các mỏ dầu tại Tây Siberia bắt đầu được tích cực khai thác, tại đây chỉ trong vài năm đã mọc lên những ngôi làng hoàn chỉnh. Đến đầu những năm 1980, lượng dầu khai thác tại khu vực Tây Siberia tăng gần 10 lần, đạt hơn 600 triệu thùng mỗi ngày.

 Nhờ dầu mỏ, các tộc trưởng Saudi Arabia trở thành những người giàu có nhất. Nguồn: russian7.ru

Nhờ dầu mỏ, các tộc trưởng Saudi Arabia trở thành những người giàu có nhất. Nguồn: russian7.ru

Sự bùng nổ sản xuất tại các nước khai thác dầu đã đánh mạnh vào nền kinh tế các cường quốc phương Tây, bởi đây là những khách hàng lớn tiêu thụ sản phẩm dầu mỏ. Đến mùa xuân năm 1974, tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ tăng gấp đôi, còn tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của nước này giảm 6%. Người Mỹ đã nắm vững bài học này, nên họ biết rõ phải hành động như thế nào để phá hoại quốc gia thù địch của mình là Liên Xô.

SaudiArabia trởthành đốitácmớicủaMỹ

Đầu những năm 1970, Saudi Arabia trở thành đế chế dầu mỏ và nhanh chóng là đối tác mới của Hoa Kỳ. Với sự tham gia của London và Riyadh, năm 1975 Washington đã xây dựng chương trình “Hồi giáo chống Cộng sản”. Một trong những mục tiêu của chương trình này là lập ra những đơn vị bí mật của người Hồi giáo trên lãnh thổ của các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô ở vùng Trung Á.

Vai trò quan trọng được trao cho Saudi Arabia cả trong cuộc xung đột tại Afghanistan. Người Mỹ biết rõ rằng, về mặt quân sự thì trên thực tế Saudi Arabia không được bảo vệ trước những kẻ thù chính của nước này là Iran và Israel. Vì vậy, Mỹ đã đề xuất ký kết giao ước. Theo đó, nếu tham gia liên minh phương Tây chống Liên Xô, thì Saudi Arabia sẽ nhận được sự bảo hộ từ phía Hoa Kỳ. Saudi Arabia chỉ cần hỗ trợ tài chính cho lực lượng nổi dậy ở Afghanistan và các tổ chức Hồi giáo trên lãnh thổ Liên Xô. Kết quả, Mỹ và Saudi Arabia đã cùng chi ra hơn 3,5 tỷ USD để tài trợ cho các lực lượng chống chính phủ ở Afghanistan.

Đương nhiên, trong các kế hoạch của Nhà Trắng luôn có sự tham gia của Saudi Arabia như là một cường quốc khai thác dầu mỏ lớn của thế giới. Tuy nhiên, cuộc chiến với “vàng đen” còn phức tạp hơn, bởi nền kinh tế vương quốc này phụ thuộc vào dầu mỏ. Ban đầu, Riyadh cam kết với Mỹ không tham gia vào các hành động của các nước xuất khẩu dầu mỏ nhằm tăng giá “vàng đen”. Nhưng sau khi giải quyết được vấn đề cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia (mặc dù có sự phản đối đầy thất vọng từ phía Israel), thì vương quốc này lại thay đổi lập trường của mình về vấn đề dầu mỏ.

Trong cuốn sách của mình có nhan đề “Dầu mỏ. Sự dối trá, những bí mật và âm mưu” xuất bản năm 2006, nhà báo Pháp Eric Laurent đã viết về dầu mỏ như một công cụ hiệu quả của chính trị thế giới. Một chương trong cuốn sách này được tác giả dành để nói về chiến dịch giảm giá dầu của Mỹ giữa những năm 1980, mà theo ông, mục đích chính là “hạ gục Liên Xô”.

Quyết định bất ngờ

Đầu những năm 1980, giá dầu tăng cao cũng không làm lợi cho Saudi Arabia, bởi thời điểm đó nước này đã xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh. Thị phần dầu mỏ của các nước OPEC cũng giảm sút: Nếu đầu những năm 1970 họ khai thác gần một nửa lượng dầu thế giới, thì đến năm 1984 con số này chưa đến 30%. Đương nhiên, các nước này cũng cố gắng giữ mức giá cao bằng cách giảm sản lượng khai thác dầu, nhưng điều này chẳng có tác dụng gì. Theo đó, giá “vàng đen” vẫn bắt đầu sụt giảm, mỗi thùng dầu Dubai giảm từ 36 USD năm 1980 xuống còn 28 USD năm 1984.

Đóng vai trò chính trong việc điều hành giá dầu của tổ chức OPEC, nên Saudi Arabia đã phải chịu thiệt hại lớn nhất. Lượng khai thác ở vương quốc này giảm từ 10,3 triệu thùng/ngày năm 1981 xuống còn 3,6 triệu thùng/ngày năm 1985. Khi đó, Riyadh đã thông qua quyết định làm lật ngược thị trường dầu mỏ. Ngày 13-9-1985, Bộ trưởng Bộ dầu mỏ Saudi Arabia Ahmed Zaki Yamani tuyên bố, chính quyền nước này không có ý định cạnh tranh để giữ giá dầu nữa, và các công ty dầu mỏ Saudi Arabia sẽ tăng khai thác “vàng đen” trở lại. Và điều này cũng đã xảy ra trong bối cảnh nhu cầu dầu thô giảm xuống.

Việc thay đổi đột ngột chiến lược của Saudi Arabia đã gây nên sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ. Chỉ trong vài tháng, giá dầu lao dốc từ 31 USD xuống còn 10 USD mỗi thùng (tương đương gần 20 USD theo thời giá hiện nay). Việc khai thác dầu tại những nơi đòi hỏi chi phí lớn đã không còn có lãi. Quyết định của chính phủ Saudi Arabia đã giáng một đòn nghiêm trọng vào nền kinh tế Liên Xô. Nếu năm 1984 Liên Xô vay mượn thị trường nước ngoài 15 tỷ USD, thì năm 1986 khoản nợ nước ngoài của quốc gia này vượt quá 30 tỷ USD. Con số này sau đó vẫn tiếp tục tăng lên. Ngay cả việc bán tháo dự trữ vàng của Liên Xô cũng không giúp được gì, rồi cuối cùng đã dẫn đến sự phá sản về kinh tế và chính trị của quốc gia.

Vì sao chính quyền Saudi Arabia bất ngờ ra một quyết định lạ lùng như vậy? Bởi họ biết rất rõ rằng, việc tăng đột ngột sản lượng dầu khai thác sẽ dẫn đến sự lao dốc về giá dầu, điều này có ảnh hưởng đến nền kinh tế các nước, trong đó có cả nước này, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu mỏ. Với những ai quan tâm đến các vấn đề khu vực Trung Đông, thì bước đi này được coi là thế cờ chính trị đã được tính toán kỹ.

Nhà chính luận Nikolai Starikov cho rằng, chính sách bán phá giá dầu là kết quả của chiến dịch phối hợp giữa Mỹ và Saudi Arabia, được họ chuẩn bị nhằm đáp trả việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Theo ông, Washington hiểu rằng, họ có thể chiến thắng mà không cần đổ máu trong việc đối đầu với Liên Xô bằng cách cắt đứt “động mạch chủ dầu mỏ” của nước này. Nhưng với hành động này, họ không những buộc Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan, mà còn đẩy hệ thống kinh tế và chính trị của đất nước Xô viết đến gần hơn tới sự sụp đổ.

Khủnghoảngkhôngảnhhưởng đếnnguồntiềncủaSaudiArabia

Giá dầu thế giới lao dốc vào giữa những năm 1980 đã giáng đòn mạnh không chỉ vào nền kinh tế Liên Xô, mà còn có các quốc gia phụ thuộc dầu mỏ khác. Venezuela, Mexico và Nigeria sắp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi thu nhập của Indonesia, Libya, Qatar, UAE và Bahrain bị giảm gấp đôi. Gặp khó khăn còn có Iraq, nước đã sử dụng nhiều tài nguyên cho cuộc chiến kéo dài và tốn kém với Iran.

Những nước thắng cuộc nhờ giá dầu thấp trước hết là Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản. Các quốc gia này trước đó đã trải qua thời kỳ phát triển thịnh vượng về kinh tế và công nghệ. Tình hình trên thị trường dầu mỏ cùng không ảnh hưởng đến các tộc trưởng các nước Vùng Vịnh. Triều đại cầm quyền Saudi Arabia chỉ có tăng thêm tài sản của mình trong các ngân hàng Hoa Kỳ. Những khoản tiền cất giữ của họ tại đó là rất lớn, được tính bằng hàng chục tỷ USD vốn được tích lũy rất nhiều trong những năm 1970. Các tộc trưởng Saudi Arabia đã hào phóng chi tiêu trong khối tài sản kếch xù của mình vào những việc, như xây các dinh thự tráng lệ, đặt mua máy bay riêng hoặc dành khoản tiền không nhỏ để nuôi các loài động vật quý hiếm nhất tại công viên thiên nhiên.

QUỐCKHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhin-lai-chinh-sach-dau-mo-nhung-nam-1980-tung-gop-phan-khien-lien-xo-sup-do-663267