Nhìn lại chặng đường 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong XDNTM

Ngày 27/9, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Hà Nam tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trịnh Thị Thủy khẳng định: Việc thực hiện hai tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của đồng bào vùng nông thôn với thành thị. Đồng thời, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; tạo điều kiện để người dân ở vùng nông thôn tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa thể thao và sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trịnh Thị Thủy phát biểu tại hội nghị

Tiêu chí văn hóa có mối quan hệ hữu cơ và tác động nhiều chiều với các tiêu chí khác trong bộ tiêu chí quốc gia. Vai trò của văn hóa gắn liền với thực hiện thành công và bền vững các tiêu chí quan trọng khác, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở góp phần phát huy tinh thần làm chủ, tính tự giác, tính sáng tạo của người dân, nhận thức của người dân được nâng lên.

Theo báo cáo tại hội nghị, qua 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí là tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí 16 (về văn hóa).

Đại biểu của 63 tỉnh, thành phố tham dự hội nghị

Thực hiện hai tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 8/2019, cả nước có 71,4% trung tâm văn hóa thể thao xã đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đối với hoạt động thể dục thể thao hiện có khoảng 70% số xã đã dành quỹ đất để xây dựng sân bóng đá, nhà tập đa năng, hồ bơi… Cả nước có trên 38.000 câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn cấp xã hoạt động thường xuyên. Trung bình mỗi năm có khoảng 36.000 giải thể thao cấp xã được tổ chức.

Xác định người dân là chủ thể trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, nhân dân hưởng ứng nên được duy trì và phát triển với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương.

Các đại biểu nhận phần thưởng từ ban tổ chức vì đã có thành tích trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới

Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối phố văn hóa đã phát huy được vai trò hạt nhân của mỗi gia đình trong xây dựng nông thôn mới. Qua phong trào, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục toàn diện nhằm phát huy nhân tố nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước.

Để nâng cao chất lượng tiêu chí văn hóa giai đoạn sau năm 2020, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thực hiện hiệu quả kết luận số 54-KL/TƯ của BCHTW ngày 7/8/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp, các ngành. Công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt; kịp thời khen thưởng những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; Coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền làm chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và thụ hưởng”; Vận động, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về ý thức, trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; triển khai và thực hiện có hiệu quả quy ước, hương ước, Quy chế dân chủ ở cơ sở và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, khai thác, kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, khơi dậy và huy động các nguồn lực cộng đồng, các tổ chức xã hội, trong dân để xây dựng, hoàn thiện và tổ chức các hoạt động tại các thiết chế văn hóa; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia sáng tạo, hưởng thụ và tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, góp phần nâng mức hưởng thụ văn hóa của cư dân nông thôn và phát triển phong trào thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em; Tập trung nghiên cứu, nhân rộng các mô hình tốt về phát huy bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới hiện nay đã hình thành ở nhiều địa phương.

Tại Hội nghị, 40 tập thể và 23 cá nhân đã được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Hà Nam

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/nhin-lai-chang-duong-10-nam-thuc-hien-tieu-chi-van-hoa-trong-xdntm-post30844.html