Nhìn lại các vụ phớt lờ hiệu lệnh, chống đối CSGT: Ngán ngẩm văn hóa giao thông

Chiều 19-11, trên mạng xã hội Facebook lan truyền clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ điều khiển xe ôtô con phớt lờ hiệu lệnh, đồng thời quát mắng cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ khiến dư luận tỏ ra bất bình.

Ngay sau khi clip trên đăng tải, cộng đồng mạng “dậy sóng”, lên án thái độ “coi trời bằng vung” của nữ tài xế này.

Chị Nguyễn Hà, ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) không khỏi bức xúc khi nhắc đến clip được đăng tải. Xem đoạn clip trên, chúng tôi thấy cảnh một cán bộ CSGT ra tín hiệu dừng chiếc xe ôtô 4 chỗ.

Người phụ nữ điều khiển chiếc xe này không những không chấp hành hiệu lệnh dừng xe mà còn nhấn ga cho xe di chuyển chập chờn, rồi dồn cán bộ CSGT đi thêm một quãng đường. Bất bình trước hành vi trên, nhiều người đã vây quanh xe, khuyên can. Lúc này, nữ tài xế mới chịu xuống xe giải quyết.

Sáng 21-11, trao đổi với chúng tôi, Đại úy Phạm Văn Chiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT – Công an TP Hà Nội) xác nhận vụ việc trên là có thực.

Hình ảnh vụ nữ tài xế điều khiển xe ôtô phớt lờ hiệu lệnh của CSGT. (Ảnh chụp từ clip).

Khoảng 15h10, ngày 19-11, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại nút giao thông Láng Hạ - Giảng Võ (quận Đống Đa), tổ công tác của Đội CSGT số 3 phát hiện xe ôtô mang BKS 30X-9811 quá hạn đăng kiểm (hết hạn kiểm định từ tháng 7-2017) nên ra tín hiệu dừng xe kiểm tra hành chính, nhưng nữ tài xế vẫn điều khiển xe đi một đoạn đường dài khoảng 150m (như clip đăng tải trên mạng – PV).

Tại thời điểm kiểm tra, nữ tài xế có tên Nguyễn T.T. (46 tuổi) ở quận Hà Đông (Hà Nội) không xuất trình được đăng ký, giấy phép lái xe. Để đảm bảo an toàn cho lái xe cũng như những người tham gia giao thông, sau đó, tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ chiếc xe và sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Thực tiễn cho thấy, không chỉ phớt lờ chỉ dẫn, hiệu lệnh của cán bộ CSGT làm nhiệm đảm bảo TTATGT trên đường, nhiều trường hợp còn có hành vi chống đối, hành hung, đe dọa, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người thực thi công vụ.

Cách đây không lâu, chiều 30-6, tại Km 488 + 700, quốc lộ 1A – đoạn thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), khi bị tổ công tác của Phòng CSGT – Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện lỗi vi phạm chạy quá tốc độ cho phép, tài xế Phan Thành Hưng, ở huyện Phù Mỹ (Bình Định) điều khiển xe ôtô tải mang BKS 77C-016.47 kéo theo sơ mi rơ moóc mang BKS 77R-001.37 đã kéo lê Thượng úy Nguyễn Anh Đức đi một quãng đường dài, rồi sau đó lạng lách, bẻ lái hất Thượng úy Nguyễn Anh Đức đang bám ở gương chiếu hậu ngã lăn vào dải phân cách cứng.

Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Phan Thành Hưng về hành vi chống người thi hành công vụ.

Tuy chưa có một số liệu thống kê đầy đủ nào về số vụ không chấp hành, chống người thi hành công vụ trong thời gian qua, nhưng có thể thấy rằng, ý thức chấp hành Luật Giao thông, văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông (hay còn gọi là văn hóa giao thông) của một bộ phận người dân hiện đang là vấn đề đáng báo động.

Văn hóa là cái gốc của một xã hội văn minh. Trong đó, văn hóa giao thông đóng vai trò khá quan trọng, là yếu tố góp phần đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông, tạo ra môi trường xã hội phát triển.

Trở lại đoạn clip phản ánh nữ tài xế quát mắng, phớt lờ hiệu lệnh của cán bộ CSGT đang “dậy sóng” cộng đồng mạng trong mấy ngày qua, theo Đại tá Trần Sơn – nguyên Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an), hành vi của nữ tài xế trên là rất phản cảm, thể hiện văn hóa giao thông kém.

Bởi mọi công dân đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ pháp luật, hiệu lệnh của người thực thi công vụ, cụ thể ở đây là cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Việc lực lượng CSGT tiến hành kiểm tra, xử lý các lỗi vi phạm Luật Giao thông đều nhằm mục đích đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông.

Sự thiếu ý thức trong quá trình tham gia giao thông như: vi phạm các quy định của Luật Giao thông (vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu – bia khi điều khiển phương tiện…), không chấp hành hiệu lệnh – chỉ dẫn của người thực thi công vụ chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra va chạm, TNGT, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Thống kê cho thấy, có đến hơn 70% số vụ TNGT xảy ra thời gian qua do lỗi chủ quan của con người. Bên cạnh đó, nếu văn hóa giao thông không được coi trọng, điển hình ở đây là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của CSGT còn dễ dẫn đến những hành vi vi phạm cấu thành tội phạm.

Đại tá Trần Sơn đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa việc xây dựng văn hóa giao thông hiện nay. Theo đó, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh và thật cụ thể, để người dân thấy rõ việc xây dựng văn hóa giao thông không có gì là lớn lao. Đó là những việc làm nhỏ, cụ thể như: không vượt đèn đỏ, chậm một chút để nhường đường cho người khác, tuân thủ sự điều hành của người thực thi công vụ, thượng tôn pháp luật…

Mặt khác, người thực thi công vụ cần phải nâng cao văn hóa ứng xử, trách nhiệm thực thi công vụ của bản thân hơn nữa; đồng thời tạo sự đồng thuận, lên án các hành vi vi phạm Luật Giao thông từ phía người dân. Từ đó, các hành vi vi phạm sẽ dần bị đào thải.

Trần Huy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/bao-dong-nhan-thuc-phap-luat-van-hoa-ung-xu-khi-tham-gia-giao-thong-467547/