Nhìn lại 70 năm Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc kêu gọi, tập hợp nhân dân cả nước thi đua trên tất các lĩnh vực của cuộc sống nhằm chung tay xây dựng và bảo vệ tổ quốc trước những thách thức vô cùng to lớn của lịch sử. Bởi, với Người: 'Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực' hay 'thi đua là yêu nước, muốn yêu nước thì phải thi đua'. Nhìn lại sau 70 năm, những tư tưởng của Người vẫn còn nguyên giá trị lý luận và giá trị thực tiễn, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới Đất nước hiện nay.

Bút tích “Lời kêu gọi Thi đua yêu nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và bài báo (năm 1948)

Thi đua là một đặc trưng nổi bật của sự vận động, phát triển trong một xã hội mà nhân dân lao động làm chủ, bởi nó khơi dậy trong mỗi cá nhân, mỗi tập thể và toàn xã hội tính chủ động, sáng tạo nhằm cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ chung của cách mạng, vì lợi ích của cộng đồng và của từng cá nhân. Bởi vậy, thi đua chính là một động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Năm 1918, Lênin đã nhấn mạnh rằng, lần đầu tiên chế độ Chủ nghĩa xã hội (CNXH) “đã tạo ra khả năng thu hút đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết nămg lực của mình, phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận”.

Xuất phát từ quan điểm coi nhân dân là người làm nên lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân, thi đua là nội lực của toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến vấn đề thi đua yêu nước nhằm kêu gọi, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia vào công cuộc dựng nước và giữ nước đầy gian khổ. Ngay khi giành được chính quyền tháng 8 năm 1945, trong hoàn cảnh kinh tế - tài chính của chính quyền non trẻ còn gặp nhiều khó khăn, tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ chí Minh đã phát động phong trào “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo cứu đói”… để từng bước ổn định tình hình. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào Thi đua ái quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Mục đích của Thi đua ái quốc là làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”. Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Người đã viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng chung tay, góp sức lao động, chiến đấu xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ thời điểm đó đến lúc đi xa, Người đã có hơn 30 bài viết, nói chuyện đề cập đến vấn đề thi đua yêu nước.

Mục đích của thi đua là vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua là một vấn đề phải được thực hiện thường xuyên và rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Người nhấn mạnh: “Mỗi người Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”…

Chủ tịch Hồ chí Minh cũng khẳng định rõ, chỉ có chế độ CNXH mới có phong trào thi đua: “Dưới chế độ tư bản, thực dân và phong kiến không thể có phong trào thi đua yêu nước… chỉ có chế độ dân chủ nhân dân và XHCN, dưới chế độ mà nhân dân lao động làm chủ nhà nước thì mới có phong trào thi đua”. Điều này xuất phát từ những bản chất tốt đẹp của CNXH là con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Thi đua trong chế độ CNXH là hình thức làm cho con người giỏi hơn, tốt đẹp hơn. Từ đó Người đã rút ra chân lý: “Lao động sáng tạo ra xã hội. Thi đua thì cải tạo con người”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thi đua là một tất yếu khách quan dưới chế độ mới, vì “bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Bởi, trong thi đua, sức mạnh cá nhân cũng như sức mạnh tập thể được nhân lên gấp bội, có khả năng hoàn thành tốt những nhiệm vụ to lớn mà cách mạng đặt ra. Tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1 tháng 5 năm 1952, Người khẳng định: “Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Các chiến sĩ thi đua đều tăng năng suất gấp rưỡi trở lên. Nếu ta cứ tính đổ đồng mỗi chiến sĩ đều tăng năng suất gấp đôi, nếu tất cả lao động ở nước ta – bộ đội, công, nông, lao động trí óc – đều thi đua và đều tăng năng suất gấp đôi… Kết quả là lực lượng chúng ta về mọi mặt đều tăng gấp đôi… kháng chiến sẽ thắng lợi gấp đôi, kiến quốc sẽ thành công gấp đôi. Kết quả là dân giàu, nước mạnh”. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội ngày 11 tháng 2 năm 1961, Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, cũng như cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước, toàn dân, toàn quân ta phải cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước, thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt”. Một lần khác Người cũng đã khẳng định: "Người người thi đua, ngành ngành thi đua; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua".

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (12/1966)

Về công tác thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra: “Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính…”. Thi đua lập thành tích cao nhưng bên cạnh đó vẫn phải thực hành tiết kiệm, không vì thành tích mà sử dụng nhân lực, vật lực một cách lãng phí. Thi đua phải dựa trên sự minh bạch, không chạy theo thành tích không thực tế. Do đó, chỉ có dựa trên “cần, kiệm, liêm, chính” thì phong trào thi đua yêu nước mới có thể tiến hành liên tục và lâu dài. Người đã từng nhắc nhở: “Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua là phải trường kỳ”.

Một đặc thù quan trọng của thi đua là luôn vận động và phát triển. Trong khi thể hiện năng lực của bản thân mình nhằm đạt được kết quả cao hơn người khác, thi đua thúc đẩy mỗi cá nhân vượt lên thành tích của mình. Trong thi đua thể hiện mâu thuẫn giữa năng suất lao động cũ với năng suất lao động mới, giữa định mức cũ với định mức mới, giữa việc vận dụng những thành tựu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã có với tính sáng tạo của quần chúng nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên kêu gọi, khuyến khích, động viên nhân dân thi đua sản xuất, học tập, chiến đấu, bởi “tính hăng hái sáng tạo tỏ ra ở thi đua”. Thi đua sẽ là nhân tố quan trọng khơi dậy những năng lực tiềm ẩn của con người, là nhân tố tích cực nhằm nâng cao năng xuất lao động, tinh thần chiến đấu của quân và dân ta dưới ánh sáng soi đường của Đảng. Người đã chỉ rõ bản chất tốt đẹp của thi đua dưới chế độ CNXH là mang tính đồng chí, đồng đội, hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người khẳng định: “Thi đua không phải là tranh đua…, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn dắt người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”. “Thi đua với tinh thần giác ngộ CNXH, mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Thi đua còn nhằm “nâng đỡ những người kém cỏi”, đồng thời loại trừ những phần tử lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của sản xuất, tiến bộ của xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Ảnh: Vũ Long (báo Hà Nội Mới)

Hưởng ứng lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã xây dựng được một phong trào thi đua lan tỏa rộng khắp trên tất cả nước, trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược đã nổi lên rất nhiều phong trào thi đua như phong trào: “Xây dựng chi bộ bốn tốt” trong Đảng; “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp; “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp; “Cờ ba nhất” trong các lực lượng vũ trang; “Ba sẵn sàng” với thanh niên; “Ba đảm đang” với phụ nữ; “Làm nghìn việc tốt” trong thiếu nhi; “Trống Bắc Lý” trong giáo dục... Từ thực tiễn thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã minh chứng hùng hồn sức mạnh của Phong trào thi đua yêu nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi. Đó cũng là nguồn sức mạnh vô tận, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng CNXH sau này.

Để phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới tạo được sức lan tỏa rộng rãi và tích cực trong đời sống xã hội, ngày 04 tháng 3 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ - TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới. Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ngày nay, trong bối cảnh cả nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bên cạnh những thuận lợi, đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, nhân rộng và thực hiện một cách hiệu quả hơn. Thực hiện tư tưởng của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiế hành nhiều phong trào thi đua như yêu nước gắn với các cuộc vận động như: “Ngày vì người nghèo”; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Thanh niên tình nguyện”; phong trào “Dạy tốt - Học tốt”; phong trào“Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; … và đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến trong thời kỳ đổi mới.

70 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và phong trào thi đua yêu nước do Người phát động ngày càng thấm sâu vào đời sống xã hội và có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn. Từ những ngày đầu phát động, được kiểm nghiệm từ thực tiễn của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và trong công cuộc đổi mới hiện nay, phong trào thi đua yêu nước đã được sự hưởng ứng và cổ vũ của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo ra động lực tinh thần vô cùng mạnh mẽ vượt qua những thời điểm khó khăn của đất nước, thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng tới xây dựng mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra./.

Phạm Sinh |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhin-lai-70-nam-loi-keu-goi-thi-dua-ai-quoc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-62120