Vì sao nước ép trái cây đóng chai có thể gây hàng loạt bệnh nguy hiểm?

Nếu bạn nghĩ nước ép đóng chai bán sẵn cũng 'ngon – bổ rẻ' như trái cây tươi thì bạn đã nhầm, uống nhiều thứ nước này còn có thể gây bệnh.

Nguy cơ tiểu đường

Một bài báo trên tạp chí y khoa có tiếng thế giới The Lancet Diabetes & Endocrinology đã cho kết luận ăn trái cây có thể giúp làm giảm nguy cơ mặc bệnh tiểu đường, nhưng nước ép trái cây đóng chai thì hoàn toàn ngược lại.

Ngay cả khi chế biến các loại nước ép thông thường, trái cây thường cần lột vỏ trái cây, bỏ hạt, ép bỏ chất xơ để lọc lấy nước và thêm đường. Kể cả khi tuân theo quy trình tương tự, một chai nước ép đóng chai có thể cho lượng đường xấp xỉ "con quỷ" trong giới dinh dưỡng là đồ uống có ga. Một chai nước cam ép nhỏ có thể chứa tới 21 gram đường, và điều đó còn tệ hơn việc uống một cốc coca dung tích tương tự.

 Nước ép đóng chai chứa một lượng lớn đường và calo. Ảnh minh họa

Nước ép đóng chai chứa một lượng lớn đường và calo. Ảnh minh họa

Rất hại cho gan

Về bản chất, nước ép trái cây đóng chai chứa vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, nhưng lại thiếu chất xơ, trong khi hàm lượng đường và calo rất cao.

Theo nhiều nghiên cứu, phần lớn đường tìm thấy trong nước ép trái cây đóng chai là đường fructose. Và gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa lượng lớn đường fructose. Khi bạn uống một ly nước trái cây lớn, lượng đường lớn được hấp thụ và gửi đến gan rất nhanh dẫn đến tình trạng quá tải, lượng đường dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ, tích tụ trong gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Tăng nguy cơ béo phì

Các nghiên cứu cũng chỉ ra lượng đường dư thừa từ nước ép trái cây cũng làm tăng triglycerid, cholesterol xấu và gây tích tụ mỡ bụng trong ít nhất 10 tuần. Thậm chí, tiêu thụ nhiều hơn 2 chai nước ép mỗi ngày tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh gút ở phụ nữ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em sử dụng nước trái cây đóng chai thường xuyên có nguy cơ mắc bệnh béo phì cao hơn đến 60%.

Bệnh tim mạch

Theo nghiên cứu được thực hiện tại trường Đại học Harvard, các chuyên gia cho biết việc tiêu thụ các loại nước uống có chứa hàm lượng đường cao mỗi ngày sẽ đẩy mạnh nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở đàn ông. Và các loại nước ép trái cây đóng chai đều được xếp vào danh sách các loại thức uống chứa nhiều đường.

Bệnh răng miệng

Các loại nước ép trái cây đóng chai cũng là một trong các yếu tố dẫn đến các vấn đề về răng miệng. Các loại axit, cũng như lượng đường, có trong nước ép trái cây có thể bào mòn lớp men răng, dẫn đến chứng sâu răng.

Có gì bên trong nước ép đóng chai?

Quá trình từ lúc đóng chai tới tay người tiêu dùng là một quãng thời gian khá dài, không ai có thể mong chờ lượng vitamin dồi dào từ một loại nước ép sản xuất công nghiệp. Đừng bao giờ tin vào cụm từ “không có chất bảo quản” được in trên bao bì vì thật khó tin rằng không cần chất bảo quản mà nước đóng chai có thể để được lâu như thế.

Nước ép được xử lý để sẵn sàng đóng hộp và lưu trữ lâu dài chắc chắn sẽ bị mất đi hương vị. Để khắc phục điều này, các nhà sản xuất đã bắt tay cùng các công ty hóa chất để "khóa" hương vị ban đầu. Thực tế, vị trái cây có trong các loại nước trái cây đóng hộp có thể không được tách lọc từ bất cứ một loại trái cây nào.

Trong quá trình sản xuất, nước ép đóng chai luôn có chất tạo màu, chất tạo mùi giống như vị trái cây thật, và vì thế đương nhiên là mùi vị bạn uống vào sẽ không phải là vị thật 100%. Nước ép trái cây bạn tìm thấy ở siêu thị có thể không lành mạnh ngay cả khi nó được dán nhãn "nguyên chất". Thông thường, sau khi được ép từ trái cây, nước trái cây được lưu trữ trong các thùng lớn chứa oxy trong vòng một năm trước khi nó được đóng gói.

Nước ép trái cây đóng chai hay các loại nước ngọt có ga, đều ít nhiều có liên quan tới các chứng bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim và một vài rối loạn chuyển hóa chất khác. Thay vì lựa chọn những loại nước này, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung nhiều trái cây tươi để đảm bảo nhận được đầy đủ dinh dưỡng và chất xơ tự nhiên.

Thanh Nhàn (T/h)

Thanh Nhàn

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nuoc-ep-trai-cay-dong-chai-co-the-gay-hang-loat-benh-nguy-hiem-d144560.html