Nhìn góc giếng làng, nghĩ về bảo tồn di sản

Mới đây, người dân làng Ngọc Ðình, xã Kim Liên, huyện Nam Ðàn (Nghệ An) hân hoan khánh thành công trình phục dựng giếng cổ Trọt Quan, một di sản cổ có từ thời Hậu Lê.

Mới đây, người dân làng Ngọc Ðình, xã Kim Liên, huyện Nam Ðàn (Nghệ An) hân hoan khánh thành công trình phục dựng giếng cổ Trọt Quan, một di sản cổ có từ thời Hậu Lê.

Công trình này rồi đây sẽ trở thành một trong những điểm đến trong quần thể Khu di tích núi Chung - chùa Ðạt, kết nối với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho du khách trong hành trình về nguồn tham quan quê Bác.

Từ góc giếng làng, ngẫm ra mới thấy nhiều điều thú vị. Văn hóa làng vốn như bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn. Nói đến làng Việt cổ, sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến "cây đa, giếng nước, sân đình". Những "thiết chế văn hóa cổ xưa" ngoài giá trị đời sống, còn là biểu tượng của văn hóa cộng đồng, nơi giao lưu, gặp gỡ, nơi kết nối tình làng nghĩa xóm, khiến ai đi xa cũng thấy tự hào, nhớ thương. Trong dân gian thường có những câu dân ca mà đặt vào làng nào cũng đúng, kiểu như: Giếng làng Hạ vừa trong vừa mát/ Ðường làng Hạ nhỏ cát dễ đi; Ðồn rằng chợ Bỏi vui thay/ Ðằng đông có miếu đằng tây có chùa; Yên Thái có giếng trong xanh/ Có đôi cá sấu ngồi canh đầu làng, v.v. Có thể nói, không gian văn hóa nào cũng cần biểu tượng cố kết cộng đồng, và vì vậy, sẽ thật đáng tiếc nếu mất đi những biểu tượng đó.

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều thành công. Chính người dân đã xây dựng quê hương mình thành những "miền quê đáng sống". Có những thiết chế mới hiện đại văn minh như điện, đường, trường, trạm. Lại có những thiết chế văn hóa cổ như đình, chùa, miếu mạo, cổng làng, giếng làng, linh vật trong các nơi thờ tự... được bảo tồn, phục dựng một cách hài hòa, khai thác trong bối cảnh xã hội mới mà vẫn phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần đem lại đời sống tinh thần lành mạnh cho người dân. Người dân nhiều nơi không chỉ "máy móc tuân theo" những tiêu chí quy chuẩn của Nhà nước mà tùy từng địa phương, căn cứ thực tiễn, họ còn sáng tạo ra nhiều điểm nhấn thú vị, hấp dẫn, thiết thực và hiệu quả. Thí dụ, có làng xây dựng thư viện văn hóa, thư viện danh nhân; có làng làm ao cá Bác Hồ, vườn cây Bác Hồ; rồi những đường hoa, nhà thi đấu đa năng, bể bơi cộng đồng... cũng đã trở nên phổ biến. Dường như đang có một cuộc thi đua ngầm giữa các cộng đồng trong xây dựng môi trường văn hóa. Trong bối cảnh đó, việc khai thác vốn cổ gắn với đặc điểm mỗi vùng văn hóa, mỗi làng quê là một ý hay.

Thực tế, nhiều "thiết chế văn hóa cổ" gắn chặt với bản sắc văn hóa cộng đồng, dân tộc đến mức nếu thiếu vắng nó sẽ dẫn đến nguy cơ làm biến dạng, méo mó văn hóa khi bảo tồn, phục dựng, khai thác. Thí dụ như không gian văn hóa quan họ cần những thiết chế cổ như sân đình, cửa chùa, bến nước; hay rừng thiêng, rừng cấm gắn với tục mở cửa rừng trong văn hóa dân tộc Dao; những con suối gắn với lễ cúng mùa sấm mới trong văn hóa dân tộc Ơ Ðu; không gian đại ngàn trong văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên… Thông qua rất nhiều chương trình, đề án, chiến lược, Ðảng, Nhà nước khẳng định quan điểm ủng hộ, khuyến khích người dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của các cộng đồng, dân tộc một cách tự nguyện, thiết thực và hài hòa. Chủ trương, chiến lược là ở tầm vĩ mô, còn đưa vào cuộc sống, có bám rễ được trong cuộc sống, cụ thể là gìn giữ, phục dựng, phát huy những gì, thì phải từ chính những người dân. Mục đích cuối cùng của văn hóa là người dân phải trở thành chủ thể trong sáng tạo, sở hữu và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Câu chuyện từ góc giếng làng có thể thấy rõ hơn vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy những thiết chế văn hóa. Giữ gì, bỏ gì đều do người dân quyết định. Không cấp ủy, chính quyền nào buộc người dân làng Ngọc Ðình phải dùng nước giếng làng, khi nước hợp vệ sinh đã chảy đến từng nhà. Cũng không một cơ quan quản lý di sản nào phải "vào cuộc" để hướng dẫn người dân cách xây giếng theo các quy định về phục dựng di sản. Chính sự đồng lòng của người dân, khơi nguồn ký ức, đầu tư nguồn lực, thổi vào giếng làng một tình yêu quá khứ, tình yêu văn hóa, thậm chí còn sáng tạo thêm nhiều không gian đã làm giếng làng đẹp hơn, khang trang hơn.

"Tắm mình" trong không gian văn hóa truyền thống, đó mới là ý nghĩa sâu xa của giếng làng thời hiện đại.

Lê Đông

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/nhin-goc-gieng-lang-nghi-ve-bao-ton-di-san-639395/