Nhìn gần đoạn kè cổ 200 tuổi bảo vệ kinh thành Huế

Đây là đoạn kè cổ được trùng tu kỳ công bậc nhất từ trước đến nay ở Huế. Với chiều dài chỉ hơn 200 mét, nhưng thời gian trùng tu kéo dài 90 ngày, thực hiện gần như hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Việc trùng tu đoạn kè từ cửa Ngăn (cửa Thể Nhơn) đến Nam Xương đài ở mặt nam Kinh thành Huế đã cơ bản hoàn thành và được cho là kỳ công nhất từ trước tới nay.

Việc trùng tu đoạn kè từ cửa Ngăn (cửa Thể Nhơn) đến Nam Xương đài ở mặt nam Kinh thành Huế đã cơ bản hoàn thành và được cho là kỳ công nhất từ trước tới nay.

Vào tháng 5/2020, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cho tiến hành trùng tu thí điểm 220 mét bờ kè Kinh thành Huế đoạn từ cửa Ngăn (cửa Thể Nhơn) đến Nam Xương đài ở mặt nam Kinh thành Huế để đánh giá, chọn giải pháp trùng tu thích hợp cho hạng mục công trình “Tu bổ, tôn tạo hệ thống kè Hộ Thành hào mặt nam Kinh thành Huế".

Đây là công trùng tu thuộc "Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế", do Trung tâm BTĐTCĐ Huế làm chủ đầu tư.

Đoạn kè cổ thời điểm chưa trùng tu (ảnh chụp vào tháng 5/2020).

Do không được sử dụng bất kỳ các loại máy móc cơ giới nào trong quá trình can thiệp bóc gỡ, hạ giải kè đá cổ bảo vệ Kinh thành Huế để trùng tu, nên đơn vị thi công là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng thuê gần 20 nhân công tiến hành bóc gỡ, gom nhặt thủ công từng vỉa, phiến, khối đá tím (đá gan gà) - loại đá nguyên bản sử dụng xây dựng bờ kè dọc Hộ Thành hào bảo vệ Kinh thành Huế hơn 200 năm trước, nhằm phục vụ trùng tu di tích.

Việc bóc gỡ những vỉa, phiến, tảng đá cổ để trùng tu kè bảo vệ Kinh thành Huế hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nên rất kỳ công, mất nhiều thời gian và nặng nhọc đối với công nhân.

Tại đây, điều kiện thi công diễn ra hết sức phức tạp, công trình phải bố trí đê quai để hút cạn nước Hộ Thành hào, sau đó đổ móng bê tông âm dưới mặt hào, trong điều kiện bùn lầy, mặt bằng chật hẹp. (Ảnh do Trung tâm BTDTCĐ Huế cung cấp)

Đá cổ bóc gỡ từ chân kè chuyển lên bề mặt tuyến phòng lộ sát chân bờ thành với chiều cao nâng 3,5 mét trong điều kiện làm thủ công mất rất nhiều thời gian, công sức, tốn kém kinh phí. (Ảnh do Trung tâm BTDTCĐ Huế cung cấp)

Sau 3 tháng thi công, đến nay, đoạn kè thí điểm trùng tu hết sức công phu này đã cơ bản hoàn thành.

Bờ kè sau trùng tu được ghép lắp đá hoàn toàn thủ công, trét mạch vữa ngầm phía trong (cách mặt ngoài phiến đá cổ chừng 10cm) trông đều đặn, đẹp mắt nhưng không mất đi dáng vẻ cổ xưa vốn có của nó.

Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trên đoạn kè trùng tu thí điểm 220 mét này, có một số đoạn do chưa bị hư hỏng nên được giữ lại đúng nguyên trạng. Nhà thầu đã sử dụng các phương pháp ghép mạch đá từ cao xuống thấp dần đối với kết cấu kè cũ đan xen với phần kè mới được tôn tạo lại.

Theo ông Tuấn, phần kè cũ giữ lại kết nối với kè mới trùng tu là khó đồng bộ về chất lượng, do đó, cần nghiên cứu và có giải pháp khoa học để bảo đảm tối đa tính tương đồng, bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật trong tổng thể công trình trùng tu thí điểm này.

Từ đoạn kè vừa hoàn thành trùng tu thí điểm này, Trung tâm BTDTCĐ Huế sẽ tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, lấy ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý, nhà khoa học, giới nghiên cứu văn hóa… để tiếp tục triển khai trùng tu những đoạn kè cổ còn lại ở mặt Nam Kinh thành Huế; nhằm bảo đảm tính khoa học, mỹ thuật, thời gian thực hiện, điều kiện kinh phí, cũng như các tiêu chí bảo tồn công trình cổ xưa tại Huế.

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhin-gan-doan-ke-co-200-tuoi-bao-ve-kinh-thanh-hue-1717366.tpo