'Nhìn diễn viên xiếc mổ gà, làm thạch tôi rớt nước mắt'

'Là lãnh đạo tôi khi nhìn các diễn viên của mình ở nhà mổ gà, làm thạch, ship chè để có thể trang trải cuộc sống khiến tôi đau lòng mà rớt nước mắt', nghệ sĩ Tống Toàn Thắng - Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc VN nói.

Xiếc là nghệ thuật của lòng dũng cảm, thu hút người xem bởi sự mạo hiểm, khéo léo về kỹ năng, kỹ xảo trình diễn và vẻ đẹp tạo hình sân khấu. Xiếc còn đặc biệt ở chỗ, diễn viên không thể diễn ‘nhép’, phải khổ luyện và tài năng thực sự mới tỏa sáng. Thế nhưng, trong thị trường nghệ thuật biểu diễn ở nước ta hiện nay, không gian dành cho xiếc đang dần thu hẹp trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật, giải trí khác cùng với sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn.

35 tuổi mà xương khớp thoái hóa như người 47

Ngành xiếc đang bị già hóa và ‘khát’ diễn viên trẻ. Ở không ít đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, những nghệ sĩ ngoài 40, 50 tuổi vẫn phải ra sân khấu biểu diễn dù sức khỏe đã có dấu hiệu đi xuống do thiếu hụt những gương mặt nghệ sĩ trẻ kế cận.

NSND Vũ Ngoạn Hợp, Phó Chủ tịch Liên chi hội xiếc Việt Nam nhận định, hiện nay đào tạo cho xiếc chưa thật sự đáp ứng được cho toàn ngành, đó là lý do mà các đơn vị đều gặp khó khăn vì thiếu nguồn diễn viên trẻ. Mỗi đợt tuyển sinh, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã phải rất khó khăn để tuyển sinh. Điều này theo NSND Vũ Ngoạn Hợp cũng dễ hiểu bởi nếu nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp có cuộc sống tốt, có cơ chế đãi ngộ tốt thì “đầu vào” tuyển sinh cũng sẽ thuận lợi.

Xiếc là nghề nguy hiểm. Ảnh có tính chất minh họa.

Xiếc là nghề nguy hiểm. Ảnh có tính chất minh họa.

“Khi tôi còn làm Giám đốc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã từng xin cơ chế đào tạo tuyển nhân tài trong xã hội như lấy các nguồn diễn viên khác từ ngành thể thao, múa hay các ngành đặc thù khác bổ sung vào xiếc”, NSND Vũ Ngoạn Hợp chia sẻ.

Thêm vào đó, để huấn luyện được một học sinh từ khi nhập học đến lúc tốt nghiệp, cần hàng chục giáo viên mới có thể đáp ứng được yêu cầu của từng bộ môn. Nhưng nguồn lực giáo viên chuyên ngành xiếc hiện nay quá mỏng, thu nhập cũng không đủ hấp dẫn.

Thứ nữa, do nhân lực mỏng, nghệ sĩ trẻ thiếu nên dù đã có những cố gắng đầu tư, nhưng với khả năng hạn chế, nhìn chung các chương trình xiếc hiện khá đơn điệu, lặp lại, không có nhiều sự đổi mới thường xuyên và chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem.

“35 tuổi, tôi đã có 18 năm làm nghề. Nghệ sĩ trẻ chúng tôi chỉ mong muốn Nhà nước cần nghiên cứu chế độ, chính sách mang tính đặc thù cho ngành xiếc. Tuổi nghề trong xiếc vô cùng ngắn ngủi so với các loại hình nghệ thuật khác.Tôi được xếp vào hàng ngũ diễn viên trẻ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhưng khi đi khám xương khớp, nhìn phim chụp bác sĩ khẳng định là phải ở người ở tuổi 47, thoái hóa rất nhiều rồi.

Đồng lương cho một diễn viên trẻ mới vào nghề chỉ có 2 triệu vừa phải thuê nhà, vừa phải ăn uống, sinh hoạt sẽ rất khó để bám nghề. Nhìn những nghệ sĩ anh chị không may gặp tai nạn như NSƯT Tuyết Hoàn (người từng là "ngôi sao tỏa sáng trên cao" với những tiết mục xiếc khiến khán giả hồi hộp).

Gần 20 năm, gắn bó với xiếc nhưng sau cú ngã định mệnh ở độ cao 2 mét, chị đã bị liệt và phải ngồi xe lăn từ đó đến nay - PV), chúng tôi cũng không khỏi lo âu khi Nhà nước chưa có chế độ bảo hiểm nghề nghiệp mang tính đặc thù cho nghề xiếc, có như vậy nghệ sĩ xiếc mới yên tâm cống hiến và sáng tạo”, nghệ sĩ Bùi Anh Quân, Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.

Cần có chế độ bảo hiểm đặc biệt cho các nghệ sĩ xiếc.

Tai nạn luôn chực chờ nhưng chế độ quá thấp

NSND Tâm Chính - Chủ tịch Liên chi hội Xiếc Việt Nam cho rằng: “Cần có chế độ đãi ngộ riêng cho những người làm nghệ thuật xiếc, nhất là khi những nghệ sĩ xiếc gặp tai nạn khi đang tập luyện, biểu diễn. Cần phải có chế độ bảo hiểm đặc biệt cho cả người bị tai nạn tàn phế cho đến người bị tử nạn. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu sao để có những chế độ lương bổng đặc cách cho những nghề đặc biệt nguy hiểm như xiếc, nếu không sẽ khó có ai có thể gắn bó với nghiệp xiếc khi mà sự sống, tai nạn luôn kề cận”.

NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, gắn bó gần 40 năm với ngành xiếc, hơn ai hết ông hiểu được những khó khăn của nghề. Tuy nhiên, kêu vẫn kêu, vận động vẫn vận động, ông cùng các đồng nghiệp ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam vẫn hàng ngày tìm tòi những ‘vùng cỏ non’ để phát triển cho xiếc, để có các đêm biểu diễn tăng thêm thu nhập cho diễn viên.

“Đợt dịch Covid-19 vừa qua, là lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam mà tôi cảm thấy vô cùng đau lòng. Nhìn các diễn viên của mình ở nhà mổ gà, làm thạch, ship chè để có thể trang trải cuộc sống khiến tôi rớt nước mắt. Nhìn diễn viên livetream bán hàng mua đi chị ơi, mua đi em ơi mà tôi chỉ muốn gọi điện bảo thôi đừng làm thế.

Tôi luôn muốn hình ảnh diễn viên của mình như những ông hoàng bà chúa trên sân khấu. Mà đáng ra họ nên phải được như vậy, vì với xiếc, để tỏa sáng là cả một quá trình và là tài năng thực thụ. Nhưng cuộc sống mà, đói đầu gối phải bò. Thế nên, khi được mở cửa rạp trở lại nhưng chưa được diễn, chúng tôi đã phải đi chào mời để xây dựng chương trình cho các đơn vi. Giờ không phải là lúc ngồi chờ hết hạn hán, đồng cỏ úa khô mọc lên trở lại mà phải đi tìm đồng cỏ xanh nơi khác”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

NSND Tống Toàn Thắng với màn biểu diễn xiếc trăn.

NSND Tống Toàn Thắng cho biết, sau nghỉ dịch, có thời gian tĩnh, anh và các đồng nghiệp có nhiều ý tưởng chỉn chu cho các tác phẩm của mình. Xiếc Cướp biển là một trong những vở như thế. Anh gắn vào thời tính thời sự về biển đảo hiện nay và thông qua ngôn ngữ xiếc, khán giả hiểu hơn, yêu hơn những gì thuộc về biển cả và từ đó nuôi dưỡng tinh thần và niềm tự hào chủ quyền biển đảo.

Nam nghệ sĩ cho hay, tổ chức biểu diễn trở lại, đơn vị không đặt mục tiêu lấy doanh thu, bởi chắc chắn sau một đại dịch như thế này sẽ rất khó đặt mục đích kinh tế lên hàng đầu, mà điều cần làm là đưa ra những sản phẩm nghệ thuật hấp dẫn để thu hút khán giả trở lại với thói quen tới rạp thưởng thức nghệ thuật.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng, xiếc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hạn tổng thể trong tương lai để khắc phục những hạn chế và đề ra phương hướng phát triển ổn định. Nghệ thuật xiếc Việt Nam cần nhất là phải được các cấp lãnh đạo quan tâm đề ra các chính sách đào tạo dài hơi với đặc thù của nghệ thuật xiếc.

“Làm nghệ thuật phải có lòng đam mê, năng khiếu và tài năng, quan tâm đến con người, biết phát huy khả năng của từng cá nhân, động viên đúng lúc, kịp thời bằng cả tinh thần và vật chất sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để họ đem hết khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp”, NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, sau đại dịch Covid-19 lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và cú hích cho 12 đơn vị sân khấu thuộc Bộ sáng đèn đã được khởi động. Bộ đã hỗ trợ các đơn vị địa điểm biểu diễn và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã chào sân bằng vở Cướp biển.

Tình Lê - Gia Bảo

Bài 5: Cặp nghệ sĩ xiếc 9X: 'Nếu tai nạn, chúng tôi chỉ biết chấp nhận'

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/nhin-dien-vien-xiec-o-nha-mo-ga-lam-thach-ma-roi-nuoc-mat-641922.html