Nhìn đàn lợn chết nổi trắng chuồng… nghĩ tới hai từ 'Giá như'

'Tôi đã không thể cầm lòng được khi nhìn người chủ trang trại bơi giữa những xác lợn nổi lềnh phềnh. Nhưng việc khắc phục nó cũng bất lực như người chủ lợn nhìn đàn lợn chết đuối mà thôi'.

Cảnh lợn chết thương tâm ở Thanh Hoá

Đó là hình ảnh ở trang trại chăn nuôi lợn của công ty Thái Dương, đóng tại khu vực Trại giam số 5, thuộc địa bàn Nông trường Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Số lợn chết chắc chưa có thống kê cụ thể nhưng một trang trại có quy mô 4.000 con lợn là một quy mô lớn mà ngập nước như vậy thì số lợn còn lại chắc cũng chẳng còn bao nhiêu.

Nếu chỉ tính theo giá heo thịt, giá lợn nuôi công nghiệp hiện nay đang thấp, chưa đến 30 ngàn đồng/kg, thì với 4 nghìn con, trung bình lớn nhỏ 50kg/con. Các bạn thử tính xem nó là bao nhiêu tiền?

Khoảng 6 tỉ đồng. Nếu lợn ở giai đoạn được giá thì con số này là gấp đôi.

6 tỉ đồng với người dân bình thường, đặc biệt là là nông dân thì nó là sự sống còn của cả một gia đình, một doanh nghiệp.

Đau xót lắm!

Vậy là chưa hết điêu đứng vì giá lợn xuống, chủ trang trại này còn phải gánh chịu hậu quả của trận nước lớn.

Tôi phải lục lại bản đồ để xem khu vực chuồng trại này ở đâu. Được biết, Yên Định nằm ở hạ lưu Sông Mã.

Tôi không nghĩ nó liên quan đến hạ lưu thủy điện Hoà Bình nên cộng đồng mạng không nên dùng nó minh hoạ cho chuyện xả lũ 8 cửa của sông Đà.

Tôi nghĩ, người xem mạng cũng nên tỉnh táo và đừng ngại tư duy để xem lại cho chắc chắn, trước khi like, share.

Hình ảnh gây ‘sang chấn’ tâm lý cho người đọc nhưng khi đưa vào những bình luận sai hướng tiêu cực đều dẫn đến những hệ lụy không tốt cho xã hội. Chính nó mới là những cơn lũ nguy hiểm không kém gì những cơn lũ thật.

Tôi cứ nghĩ mãi, đây không phải lần đầu người nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề do lũ.

Giá như chúng ta có những sáng kiến để người nông dân vượt qua khó khăn này và phòng ngừa những khó khăn sau này.

Làm Nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi thừa hiểu nguyên nhân sâu xa của sạt lở đất bất thường và lũ lụt. Bởi bây lâu nay, chúng ta không tôn trọng tự nhiên, phá rừng bừa bãi, biến đất rừng thành đất ở, thành ‘biệt phủ’.

Việc làm này đã hủy hoại tầng sinh quyển của rừng, khiến cho rừng không là nơi lưu trữ nước được nữa. Có lẽ chuyện đó ai cũng biết. Nhưng cũng đều bất lực như người chủ lợn nhìn những chú lợn chết đuối.

Nếu tiếp tục tàn phá tự nhiên, con người sẽ phải tiếp tục gánh những hậu quả nặng nề hơn.

Con người tàn phá rừng, yếu kém trong quản lý rừng nhưng lại không tính cách đối phó với những hậu quả sẽ xảy ra.

Hậu quả của bão lũ năm nào cũng xảy ra và luôn bi thương

Với những khu vực hạ lưu các hồ thủy điện, hoặc hạ lưu các con sông lớn, tôi thấy chúng ta đang rất thiếu, yếu những phương pháp và hệ thống cảnh báo và chưa có thói quen phòng ngừa rủi ro.

Tôi lấy ví dụ thế này, thượng nguồn các con sông, đặc biệt là thượng nguồn các con sông có thủy điện đều phải có hệ thống quan trắc báo trước lưu lượng nước để có phương án phòng ngừa.

Trước khi dự tính xả lũ phải có hệ thống cảnh báo đến các xã trong vùng nguy hiểm để người dân có thể kịp sơ tán. Tôi thấy điều này quá thiếu.

Ngoài chuyện làm rõ trách nhiệm xả lũ thì cũng phải kiểm tra hệ thống cảnh báo và quan trắc để không xảy ra tình trạng như vừa rồi.

Tôi rất tâm đắc với tinh thần của một bạn trên mạng đã mày mò cách để cứu lợn bằng hệ thống bạt chịu lực be bờ.

Nhưng tôi nghĩ, nếu đặt chuồng lợn quy mô lớn ở những vùng có nguy cơ ngập lụt thì buộc phải có hệ thống sàn có thể nổi theo nước để cứu lợn trong tình huống khẩn cấp hoặc lựa chọn những giải pháp để phòng ngừa phù hợp.

Hay tôi còn biết đến một bạn trẻ công tác tại Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, tình nguyện tự mình tuyên truyền trồng loại cỏ chống sạt lở, để giảm thiệt hại sạt lở đất cho bà con vùng núi. Và dùng hệ thống hữu cơ để hỗ trợ gia cố đê, từ bộ rể của cỏ…

Những ý tưởng bột phát, hay sự kiên trì vận động đều là những con đê tích cực ngăn dòng lũ tiêu cực trên mạng.

Sẽ khó có giải pháp nào toàn diện nhưng việc suy nghĩ, tìm tòi cách giải quyết luôn cần thiết cho người nông dân.

Hãy giúp đỡ người nông dân, chìa bàn tay ra để kéo họ lên không chỉ trong cơn lũ mà hãy bắt đầu cả trong ngày nắng đẹp.

Tác giả: Nguyễn Văn Cường, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ

Đoàn Công tác Viện Nông nghiệp hữu cơ đã có dịp gặp gỡ và làm việc với xã Thuỵ Hương, Chương Mỹ, Hà Nội về việc xây dựng vườn rau sạch.

Viện Nghiên cứu và ứng dụng Nông nghiệp hữu cơ (IOA)

IOA được thành lập năm 2017 có chức năng:

1. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học hữu cơ trong cải tạo môi trường sống, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ tiên tiến.

2. Sản xuất, kinh doanh các loại cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp hữu cơ, cung ứng chế phẩm, vật nuôi nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.

3. Tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật....

4. Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các nhiệm vụ của Viện.

Nguồn Gia Đình Mới: http://www.giadinhmoi.vn/nhin-dan-lon-chet-noi-trang-chuong-nghi-toi-hai-tu-gia-nhu-d1715.html