Nhìn dân khổ, bộ đội không đành lòng

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đắk Lắk được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 73km tiếp giáp tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia). Khu vực biên giới của tỉnh có 51 thôn, buôn thuộc 4 xã của 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, là nơi 24 dân tộc anh em chung sống, với hơn 22 nghìn nhân khẩu.

Con nuôi ở Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk

Con nuôi ở Đồn Biên phòng Sê-rê-pốk

Vòng tay người lính

Buôn Đrang Phốk, xã Krông Ana (huyện Buôn Đôn) nằm giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn. Ở đây có Trạm Quân dân y kết hợp, thuộc quản lý của đồn biên phòng Sê-rê-pốk. Trung úy Phạm Quang Công, nhân viên y tế tâm sự: Người dân nơi đây đa phần là đồng bào Êđê, sống nhờ nương rẫy nên đời sống còn nhiều khó khăn.

“Trạm Quân dân y kết hợp của chúng tôi chủ yếu khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Tôi làm công tác chuyên môn y tế, còn thiếu tá Trần Thế Hiền, nhân viên vận động quần chúng. Hai chúng tôi gắn bó với đơn vị hơn 5 năm nay”.

Trạm Quân dân y kết hợp buôn Đrang Phốk đang nhận đỡ đầu em Y Phú M’lô (SN 2014, học sinh trường Mầm non Y Jút) theo chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”. Y Phú sớm mồ côi cả bố lẫn mẹ. Thương em, ngày 30/8/2019, lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã làm việc với chính quyền địa phương, rồi làm lễ nhận Y Phú làm con nuôi của Đồn.

Trưởng buôn Y Tê Brông cho hay, Bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ người dân rất nhiều, đặc biệt là những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình là trường hợp của cháu Y Phú. Cháu được bộ đội che chở, nuôi lớn bằng chính đồng lương và công sức của bộ đội. Y Phú luôn coi các chú bộ đội là bố nuôi của mình.

Cách buôn Đrang Phốk chừng 50km là Đồn biên phòng Bo Heng cũng làm tốt công tác giúp đỡ người dân. Trước năm 2019, theo chủ trương của đơn vị cứ mỗi bữa ăn cán bộ chiến sĩ bỏ lại một nắm gạo vào “Hũ gạo tình thương”, rồi dùng số gạo ấy chia cho người nghèo. Nay đồn chuyển sang trích khoản thu nhập từ tiền lương sau đó đi mua gạo phát cho dân. Hiện tại, đơn vị đang giúp đỡ thường xuyên cho hai hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn”, đại úy Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên phó đồn biên phòng Bo Heng cho biết.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk chia sẻ: Đơn vị đang nhận đỡ đầu cho 46 cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tất cả những cháu này sẽ được nuôi ăn học từ bậc mầm non đến hết lớp 12. Sang năm tới, BĐBP tiếp tục khảo sát mở rộng chương trình. Các mô hình ở đơn vị cơ sở đang triển khai gồm “Nâng bước em đến trường”, “Hũ gạo tình thương”, “Con nuôi đồn biên phòng”... Ngoài ra, BĐBP còn tổ chức nhiều đợt làm từ thiện giúp dân nghèo trên vùng biên giới.

Có mặt kịp thời

Có hơn 10 năm kinh nghiệm làm công tác “ăn ở cùng dân”, thiếu tá Trần Thế Hiền kể: “Trước đây, trong buôn hễ có người chết là họ để thi thể trong nhà cả tuần mới đưa đi chôn cất. Tôi cùng buôn trưởng đến từng nhà vận động, giải thích nhiều lần dân mới bỏ dần.

Buôn Đrang Phốk nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn nên ngoài tuyên truyền về chủ quyền biên giới, bộ đội còn khuyên bảo người dân không đi phá rừng làm nương rẫy, không vi phạm pháp luật”.

Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk cho biết, đời sống của người dân ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn cần được giúp đỡ.

Thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk chủ trì, phối hợp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội vận động doanh nghiệp và phát động cán bộ, chiến sĩ quyên góp kinh phí, vật liệu và hàng trăm ngày công xây tặng dân 102 căn nhà, 24 công trình dân sinh; tặng bò giống cho hộ nghèo, huy động ngày công giúp dân thu hoạch vụ mùa, sửa sang nhà cửa, vệ sinh môi trường... “Để dân khổ, bộ đội không đành lòng”- đại tá Chiến nói.

Hằng năm, dân nghèo các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Buôn Đôn đều phải chống chọi thiên tai mưa lũ tàn phá nhà cửa, mùa màng. Những lúc hoạn nạn, BĐBP tỉnh Đắk Lắk luôn có mặt kịp thời giúp dân. Không chỉ vậy, BĐBP hướng dẫn kỹ thuật, phát triển chăn nuôi, trồng trọt giúp dân vươn lên thoát nghèo.

Vũ Long

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/nhin-dan-kho-bo-doi-khong-danh-long-1509522.tpo