Nhiều ý kiến trái chiều về việc Mỹ rút khỏi UNESCO

Việc Mỹ quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bắt đầu từ năm 2019 đã khiến các chuyên gia và dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Mỹ hôm qua, 12/10 tuyên bố sẽ chính thức rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Hiện Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD/năm, tương đương 20% ngân sách hàng năm của UNESCO. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì nguồn tài trợ này và sẽ vẫn là thành viên chính thức của UNESCO đến hết ngày 31/12/2018.

Từ năm 2019, Mỹ dù không còn là thành viên nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO.

Theo Reuters, việc Mỹ rút khỏi UNESCO được coi là một cú sốc lớn đối với tổ chức này. Tổng giám đốc UNESCO – bà Irina Bokova bày tỏ sự thất vọng trước quyết định “dứt áo ra đi” của Washington.

Đại diện của Mỹ tại UNESCO, ông Chris Hegadorn, cho biết: “Có hai nguyên nhân chính khiến chúng tôi phải đưa ra quyết định rút lui: Thứ nhất đó là các khoản nợ quá hạn của UNESCO kể từ năm 2011 khi tổ chức công nhận Palestine là một nước thành viên. Thứ hai là sự chính trị hóa đã làm tổn hại công việc của UNESCO. Đây đã trở thành nơi chống lại Israel. Việc Mỹ rút khỏi UNESCO không liên quan đến tiến trình bầu cử tại tổ chức này và quyết định đó được đưa ra sau thời gian dài cân nhắc kỹ lưỡng”.

Các chuyên gia cho rằng, dù viện dẫn nhiều lý do, song sự không hài lòng lớn nhất của Mỹ dành cho UNESCO có lẽ chính là cách tổ chức này nhìn nhận Israel. UNESCO đã khiến Israel và chính quyền Tổng thống Donald Trump tức giận bởi một loạt các quyết định mà mới đây nhất là việc xếp thành cổ Hebron ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết sách của Mỹ song cam kết sẽ tiếp tục hợp tác hiệu quả với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump "trong một loạt vấn đề thông qua các tổ chức quốc tế".

Trong khi đó, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cũng lấy làm tiếc trước quyết định của Washington, cho biết sự rút đi của Mỹ là một tổn thất đối với hợp tác đa phương và đối với cộng đồng LHQ.

Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này. Tuyên bố của bộ trên còn nêu rõ Moskva chia sẻ quan ngại chung với nhiều nước rằng hoạt động của UNESCO đang có dấu hiệu bị chính trị hóa trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ hy vọng giám đốc mới của cơ quan này sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, tạo điều kiện để các nước tiếp tục hợp tác có lợi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi của UNESCO.

Đại sứ Pháp tại LHQ kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình, khẳng định UNESCO thúc đẩy và tôn vinh các giá trị có ý nghĩa với nước Mỹ và sự tham gia của Washington trong tổ chức này là quan trọng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng UNESCO cần một sáng kiến mới có thể kết nối với tất cả các nước thành viên, qua đó khôi phục lại niềm tin, vượt qua chia rẽ chính trị và tập trung vào các nhiệm vụ chủ chốt của cơ quan này.

Đây là lần thứ 2 Mỹ rút khỏi UNESCO. Mỹ từng rút khỏi tổ chức này vào những năm 80 thế kỷ trước và chỉ trở lại vào năm 2003. Theo giới quan sát, quyết định rút khỏi UNESCO sẽ gây bất lợi đối với Mỹ bởi chính quyền Mỹ lâu này coi UNESCO là một lợi ích chiến lược, là nơi truyền bá các giá trị tinh thần. Việc rút khỏi tổ chức này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ tại LHQ.

Hương Nguyễn (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-viec-my-rut-khoi-unesco-212046.htm