Nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất tăng tuổi hưu

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng cần đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng.

“Hiện nay bộ máy hành chính của chúng ta kém hiệu quả, nếu tăng tuổi nghỉ hưu vô tình giữ lại bộ máy hành chính yếu kém, trong khi đó nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại không có việc làm…”. Đó là vấn đề được ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ cộng đồng doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14-5.

Tuổi thọ tăng nhưng sức lao động có tốt?

Đồng tình với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu nhưng ông Cẩm cho rằng cần xem xét lại thời điểm tăng. Vì theo ông Cẩm, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khả năng kéo dài đến năm 2035, nếu tăng sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động.

“Hiện nay mỗi năm cả nước có 220.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Cơ cấu công, nông nghiệp, dịch vụ chưa cân đối nên chúng ta phải xem xét…” - ông Cẩm nêu quan điểm.

Thừa nhận tuổi thọ người Việt đang cao hơn trước do tiến bộ về y tế nhưng theo ông Cẩm, tuổi cao không đồng nghĩa với thể trạng sức khỏe tốt, khả năng làm được công việc khi tuổi cao, đặc biệt với các ngành dệt, may, da giày cần nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân, người lao động phải ra khỏi dây chuyền sớm. Việc tăng tuổi nghỉ hưu làm giảm tỉ lệ hưởng lương hưu, như vậy sẽ hình thành một tầng lớp người dân có thu nhập rất thấp khi về già.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng cần đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng. Tuy nhiên, hiện nay dự thảo Bộ luật Lao động đang “dàn hàng ngang”.

“Trước đây, để chuẩn bị việc tăng tuổi hưu, chúng tôi có đưa ra lộ trình tăng trước đối với khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp tăng sau, như vậy nó rất rõ ràng… Như hiện nay tôi cũng hơi lo. Vì tăng tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, nếu như tổng việc làm không tăng, số người ở lại ảnh hưởng số người chưa có việc làm. Nên kinh nghiệm các nước họ đã làm thì phải có lộ trình đi từng bước…” - ông Huân nhấn mạnh.

Trong khi đó, các đại biểu cho rằng lao động nữ rất sợ tăng tuổi nghỉ hưu. Vì vậy sau khi nghe tăng tuổi hưu, nhiều người liền “chạy” giấy giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi.

Nhiều ngành lao động cần sự nhanh tay, tinh mắt của người lao động đang gặp vướng mắc trước đề xuất tăng tuổi hưu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều ngành lao động cần sự nhanh tay, tinh mắt của người lao động đang gặp vướng mắc trước đề xuất tăng tuổi hưu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tính số ngày nghỉ Tết thỏa đáng cho NLĐ xa quê

Bàn về ngày nghỉ Tết, ông Cẩm cho rằng dự thảo nên giữ theo phương án đang được áp dụng. Theo đó, trường hợp ngày nghỉ Tết nguyên đán trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì người lao động (NLĐ) được nghỉ bù vào ngày tiếp theo.

“Đối với ngành dệt may, nhiều lao động ở quê xa. Vì vậy, doanh nghiệp càng tạo điều kiện cho họ có ngày nghỉ bù Tết dài họ mới quay lại làm việc. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp dệt may ở khu vực phía Nam còn cho NLĐ nghỉ Tết tới tận hết rằm tháng Giêng” - ông Cẩm lý giải.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cho rằng việc thay đổi nghỉ Tết là không cần thiết. Hiện doanh nghiệp ngành điện tử tập trung đông lao động tại một vài địa phương. Do đó khi nghỉ Tết, NLĐ từ nơi làm việc cần một khoảng thời gian di chuyển về gia đình. Việc quy định ngày nghỉ Tết nguyên đán ngắn quá sẽ khó đảm bảo được lịch nghỉ trọn vẹn cho họ bên người thân sau một năm làm ăn xa.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng năm 1994, khi Luật Lao động mới hình thành đã có quy định nghỉ bù dịp Tết nguyên đán. Đây là quy định có tính nhân văn và giúp NLĐ có thể giải quyết tình trạng ách tắc tàu xe mỗi dịp trước và sau Tết nguyên đán. Do đó, dự thảo nên giữ nguyên theo quy định hiện hành về ngày nghỉ bù dịp Tết nguyên đán.

Nên tính lũy tiến tiền lương giờ làm thêm

Theo luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, dự thảo Bộ luật Lao động nên quy định mở rộng khung thỏa thuận về thời gian làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm trong những trường hợp đặc biệt, thay vì 300 giờ/năm như quy định hiện hành.

Ông Triều đề xuất nên quy định trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ tính theo lũy tiến nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đồng thời, đây cũng là biện pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không tuyển dụng số lượng lao động phù hợp quy mô doanh nghiệp mà huy động làm thêm giờ.

TRÚC PHƯƠNG

Không nên bổ sung ngày nghỉ lễ 27-7

Nhiều ý kiến cho rằng quy định bổ sung ngày nghỉ lễ 27-7 (dương lịch) để tri ân những người có công với cách mạng là không phù hợp với mục đích, ý nghĩa. Ngược lại, ngày này phải động viên NLĐ hăng say lao động và dùng khoản tiền đó để tri ân những người có công với cách mạng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhieu-y-kien-trai-chieu-ve-de-xuat-tang-tuoi-huu-833765.html