Nhiều ý kiến tâm huyết từ các đại biểu Quốc hội

Tại phiên thảo luận tại tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến tâm huyết.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá rất cao các dự thảo Văn kiện, cho rằng sự cố gắng của cơ quan soạn thảo đã đưa ra những sản phẩm hết sức quan trọng, kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Cơ bản nhất trí với những nội dung của các dự thảo, Đại biểu Mai góp ý chủ yếu về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Theo đó, cần phân tích sâu hơn về căn cứ, cơ sở để xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, bao gồm cả cơ sở lý luận, thực tiễn, đặc biệt cần phân tích sâu hơn bối cảnh, tình hình mới thì sẽ thuyết phục hơn.

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ

Theo đại biểu, về tính trọng tâm, chúng ta có đưa ra nhiều đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường; về nguồn nhân lực; về khoa học công nghệ; về văn hóa; kết cấu hạ tầng và một số đột phá khác. Theo đại biểu, vậy cái gì là điểm nhấn, điểm mới, trong khi cần trọng điểm, trọng tâm để còn phân bổ nguồn lực triển khai thực hiện. Liên quan đến tính cụ thể, có thể nâng tính cụ thể đối với các nhiệm vụ đổi mới nhằm gợi mở định hướng đổi mới thì khi triển khai thực hiện mới bảo đảm tính khả thi.

Góp ý về công tác cán bộ, đại biểu Vũ Hồng Thanh (Quảng Ninh) cho rằng, việc thực hiện quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự trước Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới mục tiêu là chọn lựa được một lớp cán bộ đủ đức, đủ tài đảm đương công việc.

Để triển khai hiệu quả hơn công tác nhân sự, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là hình thức trực tuyến, đảm bảo tuyên truyền thống nhất, đồng bộ từ Trung ương tới cấp cơ sở.

Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nhất trí với các quy định về tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013…

Để làm tốt được những vấn đề trên, đại biểu cho rằng, cần phải có cơ chế cung cấp thông tin cho người dân. Bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Cần đánh giá rõ nét hơn các thành tựu quan trọng đã đạt được trong dự thảo báo cáo chính trị là góp ý của đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh). Theo đại biểu, bên cạnh đó, cần đánh giá khái quát về thể chế phát triển, trong đó cần quan tâm, có định hướng hoàn thiện thể chế chính sách trong các lĩnh vực như: y tế, dân số, tỷ lệ dân di cư…

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-y-kien-tam-huyet-tu-cac-dai-bieu-quoc-hoi-217182.html