NHIỀU Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ THẢO LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ (SỬA ĐỔI) VÀ LUẬT ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhằm lấy ý kiến rộng rãi để đóng góp vào các dự thảo Luật Quốc hội chuẩn bị xem xét, cho ý kiến; sáng 7/10, Chi hội Luật gia Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tọa đàm đóng góp ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng dự.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Luật đã xuất hiện các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh. Việc xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) gồm 6 Chương, 102 Điều thay thế Luật cũ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB là cần thiết.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Thắng: Việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, ban hành Luật mới thay thế Luật GTĐB 2008 là cần thiết

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Việt Thắng: Việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, ban hành Luật mới thay thế Luật GTĐB 2008 là cần thiết

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Cần tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực thi pháp luật của Luật GTĐB 2008

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) các hội viên Chi hội Luật gia Văn phòng đề nghị: Tại Điều 22, về hệ thống báo hiệu đường bộ đề nghị nghiên cứu phương án bổ sung cự ly có hiệu lực trên các biển cấm dừng, cấm đỗ, các biển giới hạn tốc độ, các biển phạm vi trong, ngoài thành phố, khu đô thị vì thực tế các biển hết hiệu lực của các biển nêu trên trong một số trường hợp bị che khuất cho nên người tham gia giao thông không thể biết được phạm vi hết hiệu lực của các biển cấm, việc bổ sung thêm khoảng cách có hiệu lực ngay tại biển cấm sẽ tạo sự chủ động cho người tham giao giao thông.

Hội viên Nguyễn Hải Sơn, Phó Trưởng Phòng Nội chính - Pháp chế: Đề nghị bổ sung thêm nội dung Thanh tra giao thông đường bộ được phép dừng phương tiện vận tải hành khách

Hội viên Nguyễn Việt Dũng, Ban tiếp công dân tỉnh: Quy định việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý

Hội viên Trần Hữu Quý, Phòng Công tác Quốc hội: Nghiên cứu phương án bổ sung cự ly có hiệu lực đối với các biển cấm dừng, cấm đỗ, các biển giới hạn tốc độ, các biển phạm vi trong, ngoài thành phố, khu đô thị

Về Khoản 1, Điều 21 công trình phụ trợ gắn liền với đường bộ cần bổ sung cột mốc lộ giới; Khoản 2, Điều 101, đề nghị bổ sung thêm nội dung Thanh tra giao thông đường bộ được phép dừng phương tiện vận tải hành khách. Về các khái niệm, các hội viên cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung, giải thích rõ hơn về một số từ ngữ như: Công trình đường bộ, đường phố, xe ô tô…; Điều 5 cần bổ sung thêm một số chính sách về hỗ trợ phát triển giao thông thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu số về GTĐB, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có đất thuộc quyền sở hữu nhưng lại bị hạn chế các quyền sử dụng do một phận hoặc toàn bộ phạm vi đất nằm trong hàng lang đường bộ. Tại Điều 46 cần nghiên cứu thay đổi cách thu phí bảo trì đường bộ. Tại Điều 61, quy định việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý vì sẽ tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe, doanh nghiệp; trùng lặp về mục tiêu quản lý, nội dung đào tạo.

Hội viên Nguyễn Đình Tuấn, Phòng Nội chính - Pháp chế: Không nên tách Luật GTĐB thành 2 Luật gồm Luật GTĐB và Luật trật tư, an toàn giao thông

Hội viên Nguyễn Thúy An: Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật của Chi hội Luật gia Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh

Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề nghị không nên tách Luật GTĐB thành 2 Luật gồm: Luật GTĐB và Luật trật tự, an toàn giao thông tránh mâu thuẫn, chồng chéo, phá vỡ tính đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành vì Luật GTĐB năm 2008 đã xây dựng khung pháp lý toàn diện, bao quát tất cả các vấn đề liên quan đến xây dựng, quản lý kết cấu hạ tầng và giao thông vận tải đường bộ; vấn đề trật tự an toàn GTĐB có mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền với việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải. Đa số ý kiến còn băn khoăn, trăn trở các lĩnh vực, phương tiện vận tải khác như đường thủy, đường sắt, hàng không… có đưa vào Luật này hay không.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hà Tĩnh Ngô Đức Thủy trao các quyết định kết nạp cho các hội viên mới

Đối với việc chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu thêm vì việc giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý nhà nước về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, quản lý phương tiện, quản lý người điều khiển phương tiện và quản lý hoạt động vận tải đường bộ là phù hợp với thực tiễn; đây cũng không phải là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, là lĩnh vực đã được dân sự hóa; ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy và kinh phí đầu tư; chưa có sự đánh giá tổng kết sau 25 năm chuyển từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông Vận tải; ảnh hưởng đến vai trò kiểm tra, giám sát…

Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó trưởng đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Văn Sơn đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng của các hội viên Chi hội Luật gia Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh. Tiếp thu các ý kiến của các hội viên, Phó Trưởng Đoàn Phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thông tin thêm về một số kết quả, khó khăn, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật và một số hoạt động trên phương diện tiếp xúc cử tri chuyên đề về đóng góp, lấy ý kiến các dự thảo Luật của Đoàn ĐBQH tỉnh thời gian qua.

Cũng trong buổi tọa đàm, Chi hội Luật gia Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh đã trao quyết định kết nạp 7 hội viên mới./.

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=48958