Nhiều ý kiến băn khoăn về xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc

Sáng 25-10, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và thảo luận về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ảnh: Văn Bình

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho hay, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật về mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước. Việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Thực tế tình hình tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước đã và đang ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, làm hạn chế hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Việc mở rộng này để phù hợp với thực tiễn xã hội nước ta, với nguyện vọng của cử tri.

Cũng tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về quy định chuyển Tòa án hay cơ quan thuế xử lý tài sản giải trình không hợp lý về nguồn gốc (Điều 52) vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp đề nghị lựa chọn phương án 3 (xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án).

Không đồng tình với phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, việc này cần xem xét kỹ lưỡng. Bởi lẽ, thực tế tài sản là của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được vi phạm mà lại giao cho tòa án xử lý để thu hồi; điều này vi phạm Điều 32 Hiến pháp quy định mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải, nhà ở... Bên cạnh đó, nếu không chứng minh được vi phạm mà thu hồi thì rất khó thực thi, nếu thi hành án cưỡng chế thì gây ra những xung đột khó lường, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội... Đặc biệt, không có căn cứ pháp lý mà chuyển cho Tòa án sẽ gây khó cho Tòa án, vì việc kết luận đúng - sai không có cơ sở, dễ phát sinh tiêu cực, có thể làm mất cán bộ, làm mất niềm tin của người dân.

Đại biểu Nguyễn Văn Phương cho rằng, nếu Nhà nước không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì Nhà nước tạm coi đây là một khoản thu nhập phải chịu thuế, người kê khai phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng thảo luận về một số ý kiến khác nhau về Điều 52. Ảnh: Văn Bình

Còn theo Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) băn khoăn với cả 2 phương án tại Điều 52 xử lý tài sản không chứng minh được mà dự thảo luật đưa ra, kể cả phương án đưa ra Tòa án lẫn phương án truy thu thuế.

“Cả 2 phương án đều không đủ cơ sở khoa học, chỉ giải quyết tình thế chứ không đúng. Truy thu thuế không đúng vì tài sản đã được hình thành trên cơ sở đóng thuế từ trước, chẳng hạn xây nhà đã nộp nhiều loại thuế, vậy có phải thuế chồng thuế không? Còn đưa ra tòa thì ai đi kiện, tại sao đi kiện... dẫn đến Tòa án sẽ khó xử lý” - Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị, cứ làm tốt các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Tính từ thời điểm Luật có hiệu lực trở đi, từ 1-1-2019, nếu ai không giải trình được tài sản thì xử lý tài sản đó, nếu phát hiện tham nhũng thì tiến hành các bước theo pháp luật để tịch thu và áp dụng theo các luật, Bộ luật liên quan để xử lý.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhieu-y-kien-ban-khoan-ve-xu-ly-tai-san-khong-chung-minh-duoc-nguon-goc/