Nhiều xã, huyện miền Trung ngập chìm trong nước lũ

Sáng 5/9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều huyện ở các tỉnh miền Trung vẫn mưa to và chìm sâu trong nước lũ.

Áp thấp nhiệt đới Kajiki gây mưa lớn tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi từ đêm 2/9 đến nay. Ngập lụt nghiêm trọng đã xuất hiện ở một số xã, huyện của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh, hôm nay 5/9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với tâm vùng thấp trên Biển Đông, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm.

Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh cũng vừa đưa cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ nghẽn dòng và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt các vũng trũng thấp, đặc biệt ở các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.

Hà Tĩnh đưa cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Ngàn Sâu. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Hà Tĩnh đưa cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Ngàn Sâu. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Đến chiều tối 4/9, vẫn còn 27 xã ở Hà Tĩnh bị ngập. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Nước lũ ngập trắng đường liên xã ở Phương Điền. (Ảnh: Đức Hùng/ VNE)

Do ảnh hưởng của mưa lũ, tại Hà Tĩnh, các huyện bị ngập đường tỉnh lộ, nước tràn vào nhà dân gồm Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà. Riêng huyện Hương Khê có 18 xã bị ngập, nặng nhất là Phương Mỹ, Phương Điền, Lộc Yên, Hà Linh đã bị cô lập hoàn toàn. Những vùng này nước ngập sâu gần một mét, người dân phải di chuyển vật nuôi đến vùng cao, thu dọn đồ đạc lên mái nhà chờ nước rút.

Tình trạng ngập lụt và cô lập còn diễn ra ở 6 xã thuộc huyện Hương Sơn gồm Sơn Thủy, Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Tiến, Sơn Phú và Sơn Bình, cầu Trốc Vạc (xã Sơn Kim 2) bị nước lũ cuốn trôi. Huyện Vũ Quang có hơn 400 hộ dân không thể giao thông với bên ngoài.

Mưa lũ khiến 222 trường học ở Hà Tĩnh dừng khai giảng năm học mới. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Tại Quảng Bình, tình trạng cũng không khá hơn khi mưa lớn kéo dài cũng khiến hơn 1.000 hộ dân bị ngập lụt và chia cắt. Nhiều xã, bản tại các huyện miền núi như Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch bị nước lũ chia cắt, trong đó riêng xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) đã có 400 nhà bị ngập.

Lãnh đạo địa phương đã di dời các hộ dân lên nhà tránh lũ. Nếu nước sông Gianh tiếp tục dâng cao, huyện Tuyên Hóa sẽ tổ chức di dời 600 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu lên vị trí an toàn.

Huyện Hướng Hóa - Quảng Trị đối mặt với ngập lụt nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. (Ảnh: Hoàng Táo/ VNE)

Người dân ở các vùng ngập lụt ở tỉnh Quảng Trị cũng đang nhọc nhằn chống lũ. Huyện Hướng Hóa - một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng nề nhất của mưa lũ hiện đang diễn tiến hành sơ tán di dời dân. Người dân địa phương cho biết, đây là trật lụt nghiêm trọng nhất 10 năm qua trong khi mưa lớn vẫn tiếp diễn và nước sông Sê Pôn liên tục dâng cao. Vào sáng hôm qua 4/9, nước vào nhanh khiến nhiều hộ dân không kịp di chuyển đồ đạc, có gia đình bị nước tràn vào nhà ngập đến 1,5m và phải mượn thuyền để chèo ra khu vực cao mua cơm về.

Đến nay, toàn huyện Hướng Hóa có 600 nhà dân bị ngập, hơn 1.000 hộ, 4.000 nhân khẩu ở thị trấn Lao Bảo, xã Tân Thành, Tân Long... đã di dời đến nơi an toàn là nhà cộng đồng, nhà cao tầng. Chính quyền cũng hỗ trợ người dân lương thực thực phẩm, nước uống. Những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị ngập sẽ tiếp tục được di dời.

Thị trấn Lao Bảo - huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngập chìm trong biển nước đục ngầu. (

Nhiều gia đình ở sâu bên trong khu vực thị trấn chịu cảnh cô lập. (Ảnh: Zing)

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 2, 3/9 các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa to với lượng phổ biến 250-450 mm, một số trạm mưa lớn, như: Vinh (Nghệ An) 430 mm, Hương Khê (Hà Tĩnh) 490 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 530 mm, Khe Sanh (Quảng Trị) 520 mm...

Dự báo từ nay đến ngày 5/9, một số khu vực ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam tiếp tục có mưa với tổng lượng phổ biến 70-150 mm.

Hải Vân (tổng hợp)

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhieu-xa-huyen-mien-trung-ngap-chim-trong-nuoc-lu-86826.html