Nhiều vướng mắc trong xử lý rác thải bảo vệ thực vật

Khối lượng chất thải nguy hại từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ở mức báo động. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý lại gặp rất nhiều khó khăn.

Lượng rác thải BVTV phát sinh cao

Hiện nay, thuốc BVTV được người dân sử dụng ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại. Điều này đồng nghĩa với lượng rác thải từ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV phát sinh ngày một lớn. Khảo sát tại một số địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp (SXNN) tương đối lớn trong vùng ĐBSCL cho thấy, trung bình lượng thuốc BVTV được sử dụng hằng năm dao động 2.000-10.000 tấn/năm. Kèm theo đó, lượng rác thải từ bao bì, chai, vỏ thuốc BVTV phát sinh tối thiểu ở mức 1.000 tấn/năm.

Tại Sóc Trăng, thống kê từ ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 445.000ha đất SXNN. Với diện tích này, mỗi năm nông dân tỉnh Sóc Trăng sử dụng thường xuyên hơn 2.400 tấn thuốc BVTV và trung bình mỗi năm, lượng rác thải bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng phát sinh khoảng 366 tấn.

Còn tại tỉnh An Giang, kết quả điều tra của Trường Đại học An Giang mới đây cho thấy, có khoảng 60% rác thải BVTV được bỏ lại môi trường; hơn 10% được bán ve chai (đối với chai nhựa), 20% thu gom lại và đốt bỏ, 5% sử dụng phương pháp chôn lấp. Cũng theo nghiên cứu trên, lượng thuốc sử dụng trên mỗi héc-ta đất SXNN ở An Giang trung bình khoảng 11,5kg. Trong đó, sau sử dụng lượng thuốc bám lại trên bao bì khoảng 1,85%. Như vậy, với diện tích đất nông nghiệp của An Giang khoảng 600.000ha thì lượng thuốc sử dụng khoảng 7.600 tấn/năm; khối lượng bao bì, chai lọ, rác thải từ thuốc BVTV khoảng 1.100 tấn và lượng thuốc bám lại trên bao bì khoảng 20,8 tấn/năm.

Người dân Hậu Giang ý thức thu gom rác thải vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV đúng quy định.

Tương tự, tại Hậu Giang, theo thông tin từ ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, trung bình mỗi năm, lượng rác thải BVTV phát sinh khoảng 5 đến 7 tấn. “Lượng thuốc BVTV sau sử dụng còn sót lại trong các bao bì, chai lọ chiếm khoảng 2% thể tích. Đây là loại chất thải độc hại rất khó phân hủy, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chỉ mang tính tạm thời, chưa có giải pháp giải quyết triệt để”, ông Thể cho biết.

Khó khăn trong xử lý

Thời gian qua, để giải quyết rác thải SXNN, cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp, như: Tập huấn, tuyên truyền về tác hại của rác thải BVTV; xây dựng bể chứa rác thải gần đường giao thông nội đồng, kênh, mương để người dân dễ dàng bỏ vào; đưa quản lý chất thải từ hóa chất BVTV vào chương trình xét chuẩn nông thôn mới… Tuy nhiên, số rác thải được thu gom và xử lý chỉ chiếm một lượng rất nhỏ.

Minh chứng thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, hiện mới chỉ có khoảng 4% (trong tổng số 366 tấn/năm) bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom vào bể chứa tại các cánh đồng hoặc bán ve chai, đốt bỏ (tiêu hủy không hợp vệ sinh), khối lượng bao gói thuốc BVTV còn lại phần lớn được vứt bừa bãi tại bờ ruộng, dọc các tuyến kênh mương nội đồng. Theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sóc Trăng: Thời gian qua, phần lớn các hoạt động thu gom đều có hỗ trợ của các dự án và của Nhà nước, nên khi dự án kết thúc hoặc không còn hỗ trợ thì hoạt động này cũng bị mất dần. Một số địa phương đã tổ chức mô hình xã hội hóa công tác thu gom nhưng do chưa xác định rõ mức thu phí, cơ chế vận hành nên còn lúng túng và khó duy trì bền vững.

Bên cạnh ý thức của người dân thì quy định mới tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ TN&MT cũng đang gây trở ngại cho quá trình thu gom, xử lý rác thải BVTV tại các địa phương. Theo thông tư, cứ 3ha đất canh tác cây trồng hằng năm hoặc 10ha đất canh tác cây trồng lâu năm có sử dụng thuốc BVTV phải có một bể chứa bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, phần lớn việc xây bể chủ yếu do địa phương tự vận động và một vài công ty góp tiền nên rất khó có thể thực hiện. Ngoài ra, công tác xử lý bao bì sau thu gom cũng là vấn đề hết sức nan giải. Bao bì thuốc BVTV là chất thải nguy hại, việc thu gom và xử lý đòi hỏi phải bảo đảm đúng quy trình, do đơn vị được cấp phép xử lý. Trong khi đó, việc thu gom ở các địa phương hiện nay vẫn mang tính đơn giản, công tác xử lý, tiêu hủy hoặc bị bỏ trống, hoặc được xử lý cùng rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt thủ công, không theo đúng quy định. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ cho biết: “Khó khăn lớn nhất trong xử lý bao bì thuốc BVTV là chưa có địa điểm tập kết riêng, mà vẫn được thu gom về bãi rác tập trung của xã cùng với rác thải sinh hoạt và khắc phục bằng cách đổ vào một góc riêng, đôi lúc quá tải. Biết là không đúng nhưng phải thực hiện đốt thủ công”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, cho biết: "Muốn thu gom chai lọ, bao bì thuốc BVTV thì phải có xe chuyên dùng, giấy phép hành nghề để không phát sinh ô nhiễm thứ cấp. Mặt khác, nếu đốt tại lò theo đúng tiêu chuẩn thì chi phí khoảng 40.000-50.000 đồng/kg rác thải (1 tấn chi phí khoảng 40-50 triệu đồng). Đến nay, chỉ duy nhất Nhà máy Xi măng Holcim mới có đủ chức năng xử lý loại rác thải BVTV. Vừa qua, chúng tôi có hợp đồng với Nhà máy Xi măng Holcim với giá xử lý từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Giá này khá cao, trong khi ngân sách địa phương có hạn. Do đó, sở đã có công văn trình UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bố trí kinh phí để tổ chức thu gom, xử lý theo đúng quy định”.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nhieu-vuong-mac-trong-xu-ly-rac-thai-bao-ve-thuc-vat-534647