Nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch

Đã có nhiều ý kiến từ các tỉnh, thành phố, địa phương được đề xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào việc Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch 2019.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng ngày 18/7.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng ngày 18/7.

Đó là những kiến nghị được các tỉnh, thành phố đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày (18/7).

Chủ động chuẩn bị để thu hút FDI

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông báo về việc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” (Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: "Đề án này theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững".

Theo đó, đề án này đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ như, xây dựng bộ tiêu chí chọn lọc về suất đầu tư, sử dụng lao động, cũng như xây dựng cơ chế đánh giá và tiến hành rà soát an ninh. Đồng thời Đề án cũng nâng cao các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, môi trường, tài nguyên và tiết kiệm năng lượng phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới. Ngoài ra, các ưu đãi đầu tư theo kết quả đầu ra, ưu đãi đầu tư gắn với việc đáp ứng các điều kiện, cam kết cụ thể và cơ chế hậu kiểm, yêu cầu bồi hoàn khi vi phạm các cam kết....

Về định hướng hoạt động thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lưu ý: "Công tác chuẩn bị tiếp nhận đầu tư, cần chủ động chuẩn bị cơ sở hạ tầng và các yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng của địa phương".

Đồng thời, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư phải chọn lọc, kiên quyết từ chối các dự án công nghệ thấp, lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, những dự án có dấu hiệu núp bóng đầu tư để lẩn tránh xuất xứ, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, những địa phương khó khăn thì theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn có thể thu hút dự án thâm dụng lao động nhưng phải bảo đảm các yếu tố về công nghệ, môi trường và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, thận trọng trong việc đưa ra các cam kết, ưu đãi, chú ý khâu thẩm tra, chấp thuận đầu tư, xem xét kỹ các yếu tố công nghệ, môi trường, quốc phòng an ninh, đặc biệt lưu ý phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai.

Nhiều kiến nghị về quy hoạch và bố trí nguồn vốn ODA

Đã có nhiều ý kiến từ các tỉnh, thành phố, địa phương được đề xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào việc hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch 2019 và bổ sung nguồn vốn cho các dự án ODA đang thiếu.

Cụ thể, liên quan đến Luật Quy hoạch, Thành phố Hà Nội kiến nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về trình tự lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố, tư vấn lập quy hoạch, cũng như điều kiện bố trí vốn và thanh, quyết toán cho các hoạt động lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ triển khai, xây dựng lập quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Về giải ngân vốn ODA, năm 2019 Hà Nội được cấp phát vốn cho các dự án ODA rất ít so với nhu cầu .Ví dụ như dự án tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được giao vốn là 739,4 tỷ đồng trong khu nhu cầu vốn đối với dự án này là 1.395 tỷ đồng. Hay như dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được giao 301 tỷ đồng trong khi nhu cầu vốn đối ứng là 750 tỷ đồng.

Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, báo cáo Chính phủ bổ sung và đối ứng trước dự toán vốn ODA từ ngân sách Trung ương.

Tại buổi làm việc, Thành phố Hải Phòng đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó tập trung chủ yếu vào Luật Quy hoạch.

Cụ thể, mặc dù hiện nay, Luật Quy hoạch 2017 đã có những văn bản hướng dẫn thi hành song vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực. Từ thực tiễn vướng mắc, Thành phố Hải Phòng kiến nghị sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về danh mục quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố. Đồng thời, ban hành quy định về quy trình, điều kiện bố trí vốn đầu tư công cho các dự án quy hoạch.

Ngoài ra, Thành phố Hải Phòng cũng kiến nghị sớm có hướng dẫn việc thanh toán theo khối lượng hoàn thành đối với các dự án quy hoạch đã hoàn thành hoặc các quy hoạch chuyển tiếp trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 nhưng chưa được bố trí đủ vốn.

Về hoạt động đầu tư công, ngày 12/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 71 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu sớm tham mưu Chính phủ giao kế hoạch điều chỉnh, bổ sung đầu tư công trung hạn để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó quan tâm bố trí vốn ODA cho các dự án sẽ kết thúc trong hiệp định trong 2 năm 2019-2020.

Hiện nay, Hải Phòng đang có 2 dự án ODA đang triển khai với số vốn còn thiếu là 1.350 tỷ đồng. Vì vậy, Thành phố Hải Phòng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công sửa đổi để kịp thời xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Liên quan đến vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, Hải Phòng kiến nghị bổ sung làm rõ một số nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư quy định về việc đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, gia hạn tiến độ đầu tư, phân biệt giữa các khái niệm gia hạn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, quy định thời hạn có hiệu lực của các văn bản chấp thuận đầu tư ….

Đại diện Đà Nẵng kiến nghị Về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội thành phố đến năm 2020. Theo đó, ngày 17/4/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý chủ trương cho thành phố điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020.

Do đó, TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2020 theo đề nghị của Thành phố tại tờ trình số 1996 ngày 20/3/2019 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 3551 ngày 29/5/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thành phố nhằm tiếp tục thực hiện các công việc dở dang trong lúc chờ quy hoạch mới được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

Ngọc Hà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhieu-vuong-mac-trong-trien-khai-luat-quy-hoach-154204.html