Nhiều vùng tại Hà Tĩnh thiếu nước sinh hoạt do nắng nóng, khô hạn

Gần một tháng qua, nắng nóng tại Hà Tĩnh đạt mức kỷ lục, có thời điểm trên 43 độ C khiến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân khô cạn, cây cối héo mòn. Người dân nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Giếng được đào ngay cạnh con mương nhiễm phèn nhưng cũng chỉ đủ cho gia đình bà Bà Phan Thị Lục (thôn 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dùng "chắt chiu".

Giếng được đào ngay cạnh con mương nhiễm phèn nhưng cũng chỉ đủ cho gia đình bà Bà Phan Thị Lục (thôn 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dùng "chắt chiu".

Đã hơn một tháng nay, hầu hết giếng nước của người dân hai thôn Lạc Thắng và Lạc Thanh, xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã cạn khô nguồn nước. Gần 400 hộ dân nơi đây phải tất tả lo tìm nguồn nước để đảm bảo tối thiểu sinh hoạt của gia đình.

Bà Võ Thị Thư ở thôn Lạc Thắng (Kỳ Lạc) cho biết: Nước giếng của gia đình chỉ có thể chắt những gàu vàng đục làm nước uống cho gia súc, gia cầm. Nước sinh hoạt được lấy từ khe suối thông qua đường ống chảy nhỏ giọt. Riêng nước ăn thì phải đi xin từ giếng một số ít gia đình còn nước và cất trữ, sử dụng tiết kiệm.

Thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đến tìm đến đầu nguồn Khe Gạo (Kỳ Lạc) để tìm nước sinh hoạt. Chia sẻ khó khăn với bà con lối xóm, gia đình bà Nguyễn Thị Văn ở thôn Lạc Thắng (Kỳ Lạc) đã mua máy bơm, hệ thống ống dẫn, tự bơm nước từ giếng của nhà mình để phục vụ miễn phí người dân trong thôn.

Không chỉ ở riêng huyện Kỳ Anh, những ngày này, tại các vùng khô hạn ở Hà Tĩnh, tình trạng thiếu nước ăn, nước sinh hoạt trầm trọng đã xảy ra. Theo ông Nguyễn Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy (huyện Hương Khê): Đến thời điểm cuối tháng 6/2019, hơn 1.000 giếng khơi trong xã đã cạn đáy, trên địa bàn chỉ còn khoảng 40 giếng khoan còn nước. Dù người dân đã thuê rất nhiều tốp thợ về khoan, đào thêm giếng nhưng do nguồn nước cạn kiệt nên bà con không tìm được mạch nước mới.

Anh Phan Khắc Đại, trưởng thôn 2, xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) cho biết: Thôn 2 có 186 hộ dân thì chỉ có 5 giếng khoan có nước. Vào thời điểm này, đó là “nguồn sống” bởi 5 giếng khoan này phục vụ nước ăn cho cả thôn. Thấu hiểu và đồng cảm với bà con nên các gia đình có giếng khoan còn nước đều sẵn lòng san sẻ, cùng nhau “chắt chiu” từng giọt nước.

Nhiều đồng lúa có nguy cơ mất trắng vì gần một tháng nay khô hạn do không có mưa.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh Ngô Đức Hợi, toàn tỉnh đã gieo cấy được 43.701/44.181 ha lúa, đạt 98,91% kế hoạch. Những năm gần đây, hệ thống thủy nông trên địa bàn đã được quan tâm, đầu tư đồng bộ, các công trình lớn như: hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi, Cẩm Trang; hồ Kẻ Gỗ; hệ thống ngăn mặn, giữ ngọt Đò Điệm; hồ Sông Rác... đã được đầu tư, nâng cấp có dung tích chứa lớn đủ. Tại thời điểm hiện nay các công trình này có khả năng cung cấp nước tưới cho 60.000 ha. Vì vậy, so với mọi năm, năm nay diện tích lúa bị khô hạn, thiếu nước ít hơn, đa phần diện tích bị hạn nằm ở vùng cao, vùng xa, vùng cuối kênh nằm xa công trình đầu mối.

Mặc dù nguy cơ hạn hán đối với lúa hè thu không lớn, nhưng hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 5.500 ha cây ăn quả đã ra quả từ hai đến năm tháng tuổi đang đối mặt với nguy cơ giảm năng suất. Hầu hết diện tích cây ăn quả của Hà Tĩnh tập trung ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang... Đây là những địa phương nằm trong vùng hạn hán.

Nắng nóng cũng làm cho các tuyến rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra tình trạng cháy ở nhiều nơi. Từ ngày 17/6 đến 29/6, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra gần 10 vụ cháy rừng. Tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ công an phòng cháy chữa cháy, bộ đội, kiểm lâm, các lực lượng tại chỗ và hàng nghìn người dân tham gia dập lửa.

Chỉ trong ngày 28/6, tại Hà Tĩnh đã xảy ra 5 vụ cháy rừng tại 3 huyện Nghi Xuân, Can Lộc và Hương Sơn. Lực lượng chức năng phải huy động cả nghìn người dập lửa kéo dài từ chiều cho đến khuya.

Bài và ảnh: Hoàng Ngà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-vung-tai-ha-tinh-thieu-nuoc-sinh-hoat-do-nang-nong-kho-han-20190629171021117.htm