Nhiều vùng đối mặt với khô hạn

Vào mùa khô, nhiều vùng sản xuất lớn trong tỉnh như: huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch lại xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất. Do thiếu nước mà nông dân nhiều nơi phải bỏ hẳn vụ đông - xuân, cây trồng lâu năm giảm năng suất.

Đồng lúa cháy khô của ông Lê Ngọc Chánh (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên

Đồng lúa cháy khô của ông Lê Ngọc Chánh (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc). Ảnh: Bình Nguyên

Cao điểm của mùa khô thường bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 hằng năm. Năm nay, mưa trái mùa ít, khí hậu nắng nóng kéo dài khiến tình hình khô hạn xảy ra ở nhiều địa phương từ giữa tháng 2.

* Những cánh đồng khô hạn

Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh có 13 ngàn tấn mía cháy, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng mía đã thu hoạch đưa về nhà máy, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ít xảy ra tình trạng mía cháy với diện tích lớn nên nhà máy thu hoạch kịp thời cho nông dân. Năm nay, tình hình mía cháy giảm hơn mọi năm do nhà máy và nông dân chủ động trong công tác phòng chống cháy khi cho thu hoạch sớm diện tích mía ở các bờ ranh để hạn chế mía cháy lan rộng sang nhiều đám khác nhau.

Khác hẳn với mọi năm vẫn có mưa trái mùa rải rác, suốt 2 tháng đầu năm 2019, nhiều vùng sản xuất hầu như không có trận mưa nào. Khảo sát cho thấy nước tại nhiều hồ, đập, kênh mương cũng cạn sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều cánh đồng lúa tại các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… đều phải lo chống hạn.

Từ trước Tết Nguyên đán 2019, con suối và những mương dẫn nước ở cánh đồng Bảo Chánh thuộc ấp Bảo Chánh (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) hầu như khô cạn. Gần 1 tháng nay, nhiều giếng khoan ở khu vực cánh đồng này cũng đồng loạt cạn nước. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều ruộng lúa ở cánh đồng này cháy khô, nơi lúa còn xanh cũng dần cằn cỗi vì thiếu nước.

Giữa trưa nắng như thiêu như đốt, ông Lê Ngọc Chánh cùng những nông dân khác vẫn phơi mình trong nắng để đào thêm giếng khoan tìm nguồn nước. Ông Chánh chia sẻ: “Đây là cái giếng khoan thứ 3 tôi đào từ đầu vụ đến giờ; vừa làm vừa lo vì 2 cái trước đều không có nước. Mọi năm, thời điểm này suối và nước mương cũng đều cạn, tôi phải bơm nước từ giếng khoan lên cánh đồng. Nhưng suốt 20 ngày nay, ruộng lúa của tôi luôn khô nước, 1,4 hécta lúa đã chết hơn một nửa, phần còn lại cũng chưa biết có cứu được không”. Cũng theo ông Chánh, cả trăm hécta lúa trên cánh đồng này phải hơn cả tháng nữa mới thu hoạch và đều rơi vào cảnh lo thiếu nước. Đến thời điểm này, có không ít hộ đã mất trắng hàng hécta lúa vì khô héo.

Hàng trăm hécta lúa tại huyện Tân Phú cũng đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới; nhất là do các đập chứa nước khô cạn sớm. Cụ thể, ngay sau Tết Nguyên đán 2019, đập dâng Năm Sao (xã Phú Bình, huyện Tân Phú) đã cạn khô khiến nước ở hệ thống kênh mương trên cánh đồng Năm Sao cũng cạn kiệt làm chân ruộng dần khô cằn trong cái nắng gay gắt. Ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận (xã Phú Điền, huyện Tân Phú) lo lắng: “Nông dân trồng lúa ở xã Phú Điền, Phú Bình đang đổ công, đổ của chống hạn bằng cách bơm nước từ sông cách đó cả cây số để cứu lúa; nơi thì nông dân tự đào giếng khoan. Sự vất vả này còn kéo dài và ngày càng khó khăn do đa số các ruộng lúa còn gần 2 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch. Nông dân đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo khi chi phí đầu tư cao lên trong khi năng suất và giá lúa đều giảm”.

Nắng nóng cũng khiến nhiều diện tích mía ở huyện Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Nhơn Trạch bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Đỗ Ngọc Hải (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) cho biết: “Tôi có 60 hécta mía trồng ở 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất. Năm nay thời tiết khô hạn khiến năng suất mía của tôi giảm gần 25 tấn/hécta, chữ đường lại thấp. Đã vậy, vừa qua nắng nóng còn khiến 20 hécta mía của tôi bị cháy gây thiệt hại không nhỏ”.

* Thiếu nước cho cây lâu năm

Mưa trái mùa không xuất hiện, nắng nóng diễn ra trên diện rộng nên nhiều vùng trong tỉnh như: Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ... bị thiếu nước cho cây trồng lâu năm làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Dù người dân đã áp dụng các phương pháp tưới tiết kiệm cũng không đủ nước cho cây trồng.

Ông Trần Văn Dương (ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) cho biết: “Năm trước, thời điểm này những giếng sâu 30-35m vẫn còn nước, nhưng năm nay nhiều nhà khoan xuống 60m cũng không đủ nước tưới cho cây ăn trái. Gia đình tôi có hơn 4 hécta xoài, bưởi, quýt không đủ nước tưới nên cây ra hoa, đậu trái rất kém, năng suất vụ tới chắc chắn sẽ giảm mạnh”. Khảo sát ở nhiều nhà vườn khác tại xã Xuân Bắc thì thấy, rất nhiều hộ phải khoan giếng sâu thêm gấp 2 lần mới có nước tưới cho cây trồng lâu năm. Nhiều nông dân lo lắng nếu tình trạng nắng nóng như hiện nay còn kéo dài và không có mưa trái mùa thì trong tháng 3 tới tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ nghiêm trọng hơn.

Ông Trần Hữu Thắng (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) nói: “Năm nay thời tiết nắng nóng nên đầu tháng 2 đã có nhiều vườn tiêu thiếu nước tưới. Thời điểm này nhiều gia đình khoan giếng sâu đến 120m, nhưng nguồn nước rất ít. Tôi phải khoan đến giếng thứ 4 mới có nước tưới, song lượng nước không nhiều phải tưới tiết kiệm, cây tiêu không đủ nước phát triển rất chậm”. Các địa phương cũng tiến hành làm đập dâng, để tăng khả năng tích nước cho mùa khô 2018-2019, nhưng do năm 2018, lượng mưa cuối mùa ít và nắng nóng kéo dài nhiều ngày nên lượng nước dự trữ đã được dùng gần hết. Vì thế, trong hơn tháng tới khả năng thiếu nước cho cây trồng lâu năm sẽ còn tiếp tục diễn ra ở nhiều huyện.

* Nỗ lực chống hạn

Nói về những khó khăn trong việc chống hạn năm nay, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Nguyễn Minh Kiều cho hay, năm nay hạn hán đến sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác thủy lợi trong vụ sản xuất mùa khô này khó khăn hơn do các nguyên nhân sau: diện tích gieo trồng tăng hơn nhiều so với khả năng phục vụ của hệ thống thủy lợi; thời gian chống hạn kéo dài vì nông dân xuống giống trễ hơn và không đồng loạt…

Nông dân ở cánh đồng Bảo Chánh (huyện Xuân Lộc) đào giếng khoan cứu lúa. Ảnh: Hương Giang

Theo đó, ngay từ mùng 4 Tết Nguyên đán 2019, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên của công ty đến các trạm thủy lợi ở địa phương đã phải trực chiến cứu hạn trên những cánh đồng. Với những địa phương bị ảnh hưởng hạn hán nặng như Tân Phú, Định Quán, công ty đã bổ sung thêm máy bơm công suất lớn; đầu tư thêm hàng ngàn mét ống bạt để bơm nước từ sông, hồ gần đó về các cánh đồng. “Hiện các cánh đồng có hệ thống thủy lợi cơ bản đều đảm bảo về nguồn nước tưới. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch phục vụ nước tưới và cứu hạn đến khi vụ thu hoạch kết thúc. Ngoài ra, chúng tôi cũng bố trí lực lượng trực chiến 24/24 để ứng phó khi có sự cố xảy ra” - ông Kiều nói.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đánh giá: “Những khu vực có công trình thủy lợi vẫn đảm bảo nguồn nước tưới cho cây lúa. Tuy nhiên, các công trình thủy lợi chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 20 ngàn hécta. Các nơi trồng cây lâu năm người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng đào, giếng khoan nên có xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ trong sản xuất”.

Đồng Nai hiện có trên 179,5 ngàn hécta cây lâu năm, phần lớn sử dụng nguồn nước trời, giếng đào, giếng khoan để tưới. Các công trình thủy lợi của tỉnh đáp ứng được rất ít, chỉ trên 20%. Như vậy, sản xuất cây trồng của tỉnh đang bị lệ thuộc rất lớn vào nguồn nước trời, nước ngầm để sản xuất. Khi thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân.

Bình Nguyên - Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201902/nhieu-vung-doi-mat-voi-kho-han-2934675/