Nhiều vụ khiếu nại kéo dài là do chưa giải quyết triệt để từ cơ sở

Sáng 4/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTV Quốc hội đã thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTV Quốc hội đều nhận định, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong năm qua, các vụ khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là xoay quanh vấn đề đất đai và giải phóng mặt bằng… Các đại biểu cũng cho rằng, những nguyên nhân đưa ra trong báo cáo mới chỉ phản ánh những nguyên nhân khách quan, mà chưa làm rõ các yếu tố chủ quan gây ra những hạn chế, tồn tại.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, một trong những nguyên nhân gây ra những hạn chế, tồn tại trong công tác khiếu nại, tố cáo là do yếu tố con người, việc tổ chức thực hiện chưa đến nơi, đến chốn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân vì sao số đơn thư giảm trong năm 2016, nhưng tính chất và quy mô thì phức tạp hơn so với năm 2015.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về các vấn đề: nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Để kiểm soát tình hình đó, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường. Cùng với đó là kiên quyết hơn trong việc xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức có vi phạm pháp luật; có phương án đào tạo, nâng cao trình độ và bố trí sắp xếp, luân chuyển cán bộ, công chức ở ngành, lĩnh vực nhạy cảm.

Nhận xét hiện vẫn còn số vụ khiếu nại kéo dài là do chưa giải quyết triệt để từ cơ sở, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị báo cáo cần chỉ rõ còn tồn đọng bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được giải quyết? Ông Đỗ Bá Tỵ cho rằng, phải tăng cường đối thoại nhiều hơn trong tiếp công dân; cán bộ tiếp công dân phải có năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh, vì khi đối thoại mà chủ thể đối thoại không đúng thẩm quyền thì cũng khó có thể giải quyết được vụ việc.

Nhấn mạnh đến tiêu chí của người cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, cần phải chọn những người có kiến thức, dũng cảm, biết kiềm chế để làm công tác này. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh chia sẻ đã từng chứng kiến nhiều cán bộ không có kiến thức làm công tác này, nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp, nguy hiểm nhất là đổ lỗi và đùn đẩy trách nhiệm.

* Chiều 4/10, UBTV Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Khoa hoc, Công nghệ và Môi trường về vấn đề này nêu rõ: Khoa học, công nghệ đã góp phần vào tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung cũng như ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo ở nước ta vẫn chỉ tạo ra giá trị gia tăng thấp, một số hoạt động chưa theo kịp được nhu cầu và có nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ chưa được các tổ chức khoa học và công nghệ quan tâm đầu tư nghiên cứu đúng mức; sự phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu còn yếu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giám sát

Báo cáo của Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ để có phương án tái cấu trúc ngành phù hợp; gắn kết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ cho tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; ứng dụng khoa học và công nghệ với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động, sản xuất. Hàng năm, Chính phủ bố trí đủ ngân sách cho khoa học và công nghệ và báo cáo Quốc hội việc đầu tư phát triển khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách và ngoài ngân sách.

Thảo luận về nội dung này, nhiều Ủy viên UBTV Quốc hội đề nghị, Chính phủ không nên đưa ra đánh giá chỉ dựa vào số liệu thống kê về số doanh nghiệp khoa học, công nghệ được thành lập, công trình nghiên cứu, sản phẩm cơ khí chế tạo… Quan trọng hơn cả là chất lượng và hiệu quả tác động của những doanh nghiệp, công nghệ mới phát minh, hay công trình nghiên cứu đã hoàn thành. Một số đại biểu cũng cho rằng, Nhà nước đã dành nguồn lực không nhỏ cho xây dựng các khu công nghệ cao, song hiệu quả chưa tương xứng. Vì vậy, Chính phủ cần thẳng thắn đưa ra bài học về hiệu quả đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian qua.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhieu-vu-khieu-nai-keo-dai-la-do-chua-giai-quyet-triet-de-tu-co-so/