Nhiều vụ án hành chính, chủ tịch ủy ban không tham gia phiên tòa

Việc vắng mặt chủ tịch UBND, UBND (hoặc người đại diện) làm vụ án kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người dân.

Ngày 19-4, Đoàn giám sát Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm việc tại TP Đà Nẵng về giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định của cơ quan tòa án tại Đà Nẵng.

Đại diện VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng kiến nghị sửa đổi Luật Tố tụng hành chính liên quan đến việc tham gia phiên tòa của người bị kiện là bắt buộc. Cụ thể ở đây là trách nhiệm của chủ tịch UBND phải tham gia các phiên tòa hành chính.

Tranh chấp khiếu kiện đất đai ngày càng phức tạp

Tại buổi làm việc, bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, cho biết những năm qua, các cấp chính quyền TP đã chú trọng nâng cao chất lượng ban hành quyết định hành chính (QĐHC), thực hiện hành vi hành chính (HVHC) cơ bản đảm bảo đúng quy định pháp luật về căn cứ, trình tự, nội dung và thẩm quyền. Số lượng vụ việc bị khiếu kiện tại tòa án các cấp là 96 vụ/225.000 QĐHC, chiếm 0,04%. Từ năm 2019 đến 2021, chủ tịch UBND, UBND bảy quận, huyện trung bình ban hành khoảng 20.000 QĐHC, số vụ bị khiếu kiện tại tòa là 42 vụ, chiếm 0,03%.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: TÂM AN

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: TÂM AN

Lĩnh vực đất đai, nhà ở chiếm tỉ lệ lớn trong các khiếu kiện hành chính. Tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày càng phức tạp. Đối tượng khởi kiện đa dạng, phát sinh nhiều tranh chấp mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như thu hồi, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng, môi trường…

Nguyên nhân chủ yếu phát sinh tranh chấp là do việc triển khai một số dự án kéo dài nhưng khi tiến hành áp giá bồi thường thì áp giá hoặc bố trí đất tái định cư không thống nhất. Việc này có liên quan đến việc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc thu hồi hoặc sửa đổi thời hạn sử dụng đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai. Một số trường hợp khác có nguyên nhân từ việc cấp giấy chứng nhận cho người dân trước đây còn sai sót, chồng lấn.

“Đánh giá chung thì số QĐHC, HVHC bị tòa các cấp tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần chiếm tỉ lệ thấp (15/96 vụ) cho thấy chất lượng QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND các cấp ngày càng được nâng cao” - bà Hoa cho hay.

Nói thêm về việc này, ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, cho biết các QĐHC, HVHC của chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện hầu hết liên quan đến lĩnh vực đất đai, rất phức tạp. Chính sách, pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư được ban hành qua nhiều thời kỳ khác nhau, chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Từ đó dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn trong áp dụng, giải quyết. Hiện một số địa phương triển khai dự án hạ tầng lớn, cần phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đối với hàng ngàn hộ dân nên tòa án phải thận trọng trong quá trình giải quyết; tránh tạo điểm nóng, khởi kiện hàng loạt.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu băn khoăn trước tình trạng chủ tịch UBND, UBND (hoặc người đại diện) vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án hành chính.

Bỏ mất cơ hội tiếp xúc, lắng nghe mong muốn của người dân

Bà Hoa cho hay theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 thì chủ tịch UBND bị khởi kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Điều này gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động lãnh đạo của UBND trong công tác điều hành.

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đề nghị tòa án các cấp sớm đưa vào tổ chức phiên tòa hành chính trực tuyến, tạo thuận lợi cho UBND, chủ tịch UBND tham gia phiên tòa. Ngoài ra, nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đối thoại để rút ngắn thời gian đi lại của người dân và UBND, chủ tịch UBND nhưng vẫn đảm bảo việc người dân được đối thoại với lãnh đạo các cơ quan nhà nước liên quan đến đối tượng bị kiện.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết thực tế ở nhiều địa phương cho thấy nhiều vụ việc chủ tịch, phó chủ tịch không tham gia đối thoại tại các phiên tòa.

“Luật tố tụng quy định rất rõ chủ tịch bận không tham gia được, ủy quyền cho phó thì phó chủ tịch phải tham gia. Nhiều địa phương công việc, án hành chính nhiều, tôi rất chia sẻ với lãnh đạo chính quyền. Tuy nhiên, nếu chúng ta không sắp xếp được để tham gia đối thoại, các phiên tòa thì bỏ mất cơ hội tiếp xúc, lắng nghe mong muốn của người dân, nếu ban hành quyết định chưa đúng pháp luật thì có thể chỉnh sửa. Ngược lại, khi đối thoại, người dân nhận thấy họ kiện không đúng thì cũng sẽ rút đơn. Nếu làm được như vậy thì người dân chắc chắn sẽ tin tưởng vào chính quyền nhiều hơn…” - ông nói.

Vị này cũng cho rằng đâu đó ở nhiều địa phương vẫn còn tình trạng thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên nể nang đối với chính quyền. “Đây là câu chuyện rất thực tế. Khi tòa đề nghị cung cấp hồ sơ chứng cứ, dù hồ sơ thất lạc qua nhiều thời kỳ, có thể không đầy đủ nhưng chính quyền phải cung cấp. Nếu không, vụ án có thể kéo dài và phát sinh thêm khiếu kiện khác” - ông nói thêm.

Ông Bường cho biết việc vắng mặt chủ tịch UBND, UBND (hoặc người đại diện) làm vụ án kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người dân. Việc này làm mất cơ hội để chính quyền địa phương trao đổi, nắm bắt, ghi nhận nguyện vọng của nhân dân, từ đó có biện pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả.

“Có trường hợp người dân rút đơn khởi kiện tại phiên tòa phúc thẩm nhưng người bị kiện lại xin xử vắng mặt nên tòa không thể giải quyết được mà phải chờ phiên tòa khác. Đến lúc đó, người dân lại không đồng ý rút đơn nữa” - ông nói.

Hiện TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã đưa các vụ việc về trụ sở các địa phương ở miền Trung - Tây Nguyên xét xử, thay vì đưa hết về TP Đà Nẵng để vừa tạo điều kiện cho chính quyền tham gia các phiên tòa vừa giúp người dân tiết kiệm công sức, tiền bạc. Nhờ vậy mà tỉ lệ xét xử án hành chính tăng lên.

Cần có chế tài cụ thể

“Luật Tố tụng hành chính quy định người đứng đầu cơ quan hoặc cấp phó được ủy quyền phải tham gia tố tụng tại tòa án là đúng và cần thiết. Do đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước hoặc cấp phó được ủy quyền phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, phải tăng cường trách nhiệm và cần có chế tài cụ thể đối với người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền khi không đến tham gia tố tụng” - ông NguyễnVăn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, kiến nghị.

TÂM AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-vu-an-hanh-chinh-chu-tich-uy-ban-khong-tham-gia-phien-toa-post676514.html