Nhiều việc làm, tăng thu nhập nhờ có đào tạo nghề

Với tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề ở các địa phương đều đạt trên 80%, có huyện đạt trên 90%, có thể khẳng định chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực sự phát huy hiệu quả, giá trị nhân văn, giúp cho nhiều lao động nông thôn ổn định việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, thậm chí nhiều hộ gia đình có thu nhập khá, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì kiểm tra liên ngành công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 tại huyện Thường Tín.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn chủ trì kiểm tra liên ngành công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 tại huyện Thường Tín.

Lao động học nghề có việc làm đạt tỷ lệ cao

Để nắm bắt tình hình thực tiễn, kịp thời có các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội do Sở Lao động- Thương binh và xã hội chủ trì đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện chương trình này tại các huyện trên địa bàn Thành phố.

Ghi nhận từ các buổi kiểm tra cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các Huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng, chỉ đạo thực hiện đồng bộ,thu hút đông đảo bà con nông dân hưởng ứng, tham gia học nghề. Đáng phấn khởi hơn, tỉ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề tại các địa phương đều đạt mức cao.

Hầu hết lao động nông thôn đều tỏ ra phấn khởi khi được đào tạo nghề bởi nhờ đó, họ có thêm việc làm trong lúc nông nhàn hoặc áp dụng kiến thức được học vào quy trình canh tác, tăng gia sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp từ đó nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Chẳng hạn, tại huyện Thạch Thất, năm 2019, toàn huyện đã tổ chức 32 lớp đào tạo nghề cho 1.100 lao động nông thôn, trong đó có 16 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với 540 người học, 16 lớp dạy nghề nông nghiệp với 560 người học.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh Xã hội huyện Thạch Thất cho biết, đối với nghề phi nông nghiệp, số lao động có việc làm sau đào tạo là 461/540 học viên, chiếm tỷ lệ 85,3%, đa số các học viên được nhận vào làm việc theo nghề đào tạo tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp may mặc, mộc mỹ nghệ trong và ngoài huyện.

Đối với nghề nông nghiệp, tỷ lệ lao đông có việc làm sau đào tạo lên tới 100%, lao động được đào tạo chủ yếu tự làm tại gia đình, tập trung vào các nghề như kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng rau hữu cơ, rau an toàn…

Tương tự, tại huyện Thường Tín, năm 2019, Huyện đã tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho 700 lao động nông thôn, trong đó có 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 525 người, 5 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 175 người. Tổng số người sau khi học nghề có việc làm là 681/700 người chiếm tỷ lệ 97%, trong đó số người được doanh nghiệp tuyển dụng là 175/700 người, số người tự tạo việc làm là 506/700 người.

“Đối với nghề nông nghiệp, các học viên sau khi học nghề đa số ứng dụng vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của hộ gia đình mình và đạt được những hiệu quả tích cực như: Từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển thành chăn nuôi theo hướng nông trại, trang trại với quy mô chăn nuôi lớn, trồng cây ăn quả lâu năm, trồng rau an toàn… Đối với nghề phi nông nghiệp, hầu hết lao động được đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định”- đại diện phòng Lao động- Thương binh xã hội huyện Thường Tín cho biết.

Còn tại huyện Đông Anh, theo Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Đình Thanh, năm 2019, trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, huyện đã tổ chức dạy 29 lớp đào tạo nghề cho 997 lao động nông thôn gồm: 7 lớp, 238 học viên học nghề phi nông nghiệp (May công nghiệp và Pha chế đồ uống) và 22 lớp nghề nông nghiệp cho 759 học viên.

Kết thúc khóa học nghề, người lao động đã được trang bị và bổ sung những kiến thức cơ bản để tiếp tục áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều người đã vận dụng và phát huy những kiến thức được học để tự tạo việc làm hoặc được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Thu nhập của học viên sau khi học nghề bình quân từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục phát huy giá trị nhân văn của chương trình

Từ kết quả thực tiễn, bà Nguyễn Thanh Nhàn- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh: Tính hiệu quả và giá trị nhân văn của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được minh chứng rõ trong thực tế khi mà hầu hết nghề đào tạo đều gắn với nghề nghiệp mà bà con lao động nông thôn lựa chọn, mong muốn được làm việc, sau khi học xong, bà con đã có việc làm, tránh được thời gian nông nhàn, góp phần phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.

Lao động nông thôn huyện Đông Anh thực hành nghề cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh

Theo thời hạn của đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009, năm 2020 là năm kết thúc thực hiện Đề án. Trước những hiệu quả đã được kiểm chứng, nhiều địa phương, nhiều bà con lao động nông thôn bày tỏ nguyện vọng Chương trình tiếp tục được triển khai, phát huy giá trị nhân văn trong thời gian tới.

Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho rằng, vẫn cần duy trì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vì huyện vẫn còn đất sản xuất nông nghiệp. Hơn nữa, người dân đang có nhu cầu chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ.

Nhìn nhận việc triển khai thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả rất tích cực trong nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân đồng thời giúp cho phát triển kinh tế xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện bền vững hơn, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thường Tín kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có Đề án mới (sau năm 2020) trong công tác đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế.

Đồng thời, ngoài chính sách đào tạo nghề phục vụ các ngành nghề công nghệ cao, phục vụ cho định hướng phát triển công nghiệp- dịch vụ tại các trường nghề đề nghị tiếp tục duy trì mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn (những lao động khó có điều kiện tiếp cận các trường nghề tập trung đòi hỏi kỹ năng chuyên sâu).

Dưới góc độ người học, cùng với mong muốn đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được kéo dài, chị Đàm Thị Hợi, thôn 1, xã Phúc Hòa (huyện Phúc Thọ) bày tỏ: “Theo quy định mới, từ năm 2021, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng lên, vì thế, tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu tăng độ tuổi và mở rộng đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề”.

Với kinh nghiệm tổ chức đào tạo nhiều năm, ông Nguyễn Cảnh Chính, Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thăng Long (địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) chỉ rõ, nội dung, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần được xây dựng linh hoạt, phù hợp hơn…

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay, các sở, ngành chức năng và địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát nhu cầu học nghề của từng đối tượng, nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, từ đó mở các lớp dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động.

Thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ có đánh giá tổng thể về chính sách nhân văn này nhằm nhìn nhận rõ hơn những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo./.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhieu-viec-lam-tang-thu-nhap-nho-co-dao-tao-nghe-115637.html