Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm quy định sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại nhiều địa phương, người dân công khai xây dựng nhà ở, nhà xưởng, trang trại... trên đất nông nghiệp. Việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thế nhưng, những vụ vi phạm này chưa được xử lý dứt điểm, khiến dư luận bức xúc.

Theo các cơ quan chức năng, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp tại các địa phương trong cả nước có diễn biến phức tạp. Nếu như ở các tỉnh đồng bằng, người dân đổ đất lấp ruộng, ao, hồ... rồi phân lô, bán nền, thì ở miền núi, họ xẻ núi, bạt đồi, phá rừng lấy đất làm nhà, trang trại.

Tại TP Hải Phòng, vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp xảy ra ở nhiều quận, huyện. Năm 2019, ở địa phương này có 6.194 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình là: Quận Đồ Sơn có 252 trường hợp, huyện Thủy Nguyên có 860 trường hợp, quận Hải An có 956 trường hợp, quận Lê Chân có 1.217 trường hợp, huyện An Lão có 948 trường hợp... Trong đó toàn thành phố mới xử lý được 1.236 trường hợp vi phạm.

Một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp tại đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài (phường Xuân La, quận Tây Hồ, TP Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG KHOA.

Ở Hà Nội, hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp ở xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây bị đơn vị, cá nhân chiếm dụng và xây dựng các công trình trái phép là một ví dụ. Theo phản ảnh của người dân địa phương, tại thôn Ba (thôn Trung Tâm), thôn Đông A, thôn Khoang Sau, thôn Cao Sơn... không ít hộ dân ngang nhiên xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Điển hình là cụm công trình, gồm: Sân bóng đá nhân tạo 1.500m²; nhà dựng khung sắt thép, lợp mái tôn có diện tích 63m²; bể chứa 34,75m² và hồ bơi 129,36m² của hộ ông Đào Quốc Trí. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ một số hộ dân trong thôn, ông Đào Quốc Trí đã lập dự án xin chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất trồng cây ăn quả. Vì chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên UBND thị xã Sơn Tây chưa phê duyệt. Trong thời gian chờ đợi, ông Trí đã đầu tư xây dựng các công trình nêu trên nhằm mục đích kinh doanh. Theo ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông, sau khi nhận được phản ảnh của người dân, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xác minh tính chân thực của sự việc. Ngày 5-4, UBND xã Sơn Đông đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và buộc gia đình ông ông Trí tháo dỡ những hạng mục xây sai phép. Toàn bộ phần công trình vi phạm đã được tháo dỡ. Thế nhưng theo phản ảnh của người dân, đến thời điểm hiện tại, cụm công trình này lại tiếp tục vi phạm, khiến dư luận xã hội ở địa phương bức xúc. Còn tại TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất nông nghiệp cũng đáng báo động. Tại các quận: 9, Thủ Đức và các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè... tình trạng ngang nhiên phân lô đất nông nghiệp, xây nhà, rồi chuyển nhượng trái phép diễn ra công khai. Mặc dù UBND các địa phương nêu trên đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa "hạ nhiệt". Ví dụ, ở những khu vực vùng ven như các xã: Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), các phường: Phú Hữu, Phước Long B (quận 9) và phường Linh Trung, Tam Phú (quận Thủ Đức)... hàng chục công trình vi phạm xảy ra.

Để xảy ra tình trạng trên, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Cụ thể, công tác quản lý đất đai, xây dựng ở cơ sở còn yếu, thậm chí có tình trạng buông lỏng, thiếu quyết liệt trong xử lý những vi phạm. Đây cũng là hệ lụy từ việc cán bộ chuyên môn cấp cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, thậm chí có tình trạng bao che cho sai phạm. Khi phát hiện sai phạm thì chưa xử lý kịp thời, triệt để nên hầu hết các trường hợp khi được phát hiện thì đã xây dựng công trình kiên cố, dẫn đến khó khăn trong việc khắc phục về tình trạng ban đầu.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trên, các cơ quan chức năng cần chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch về rà soát, chấn chỉnh, thực hiện thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật đất đai tại địa phương mình; hướng dẫn các quận, huyện rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình, cá nhân, phân loại các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, kiểm tra, thanh tra để xác định các hành vi, xử lý vi phạm. Riêng đối với các công trình giao thông đang trong thời gian thi công, các nhà thầu phải có trách nhiệm quản lý diện tích đất trong phạm vi tuyến đường đang trong giai đoạn thi công, kịp thời ngăn chặn hoặc thông báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi lấn chiếm đất đai của các tổ chức, cá nhân để có biện pháp xử lý kịp thời. Sở Xây dựng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương công bố chi tiết và cắm mốc các quy hoạch để người dân biết, hạn chế việc lấn chiếm đất đai. Cùng với đó, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, các chế tài xử lý khi vi phạm pháp luật đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm.

Bài và ảnh: GIANG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/nhieu-vi-pham-xay-dung-tren-dat-nong-nghiep-lam-nghiep-630690