Nhiều vi phạm về an toàn trong xây dựng

Hiện nay, phần lớn các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Điều này là do các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt những quy định về an toàn vệ sinh lao động.

Không an toàn

Tại một công trình xây dựng khách sạn trên đường Trần Quang Khải (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) có hàng chục thợ xây, phụ hồ làm việc. Công trình đã xây đến tầng thứ 7 nhưng xung quanh lại không có lưới bao quanh che chắn để bảo vệ công nhân làm việc, tránh vật liệu rơi. Để vận chuyển vật liệu từ dưới lên các tầng, đơn vị thi công lắp một máy tời đặt chênh vênh, rất nguy hiểm. Ở mỗi tầng không có lan can, rào chắn bảo vệ, biển cảnh báo nào. Bên trong công trình, dây điện được thả dưới mặt sàn với nhiều mối nối chằng chịt để lẫn lộn với vật liệu xây dựng. Đặc biệt, hầu hết lao động ở đây không có trang phục bảo hộ, có người còn không mặc áo. Hàng ngày làm việc trên cao, nhưng các thợ xây ở đây không có dây đai bảo vệ, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là xảy ra tai nạn lao động.

 Một công trình khách sạn tại hẻm 86 Trần Phú không có lưới che chắn, lồng vận thăng không đảm bảo an toàn.

Một công trình khách sạn tại hẻm 86 Trần Phú không có lưới che chắn, lồng vận thăng không đảm bảo an toàn.

Tương tự, tại một công trình khách sạn trong con hẻm ở 86 Trần Phú (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) đã xây dựng đến tầng thứ 8 nhưng xung quanh công trình cũng không lắp đặt lưới bảo vệ. Đặc biệt, tại công trình này có sử dụng 1 vận thăng để vận chuyển người và vật liệu lên các tầng, thế nhưng, lồng vận thăng lại không có lưới bảo vệ. Hàng ngày, tại công trình có gần 20 thợ xây, thợ hồ làm việc theo hình thức khoán việc. Ông Khánh - thợ xây cho biết: “Tôi làm việc tại công trình này đã gần 5 tháng, mỗi ngày được trả 400.000 đồng tiền công, ăn uống tự lo. Chúng tôi đều không có hợp đồng lao động, cai thợ chỉ đâu anh em làm đó. Hầu hết anh em chưa bao giờ được huấn luyện, trang bị bảo hộ lao động. Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên chúng tôi phải chấp nhận”...

Đã có công trình xảy ra sự cố chết người

Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2015 đến nay, sở đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại 117 công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện hàng loạt vi phạm của các đơn vị thi công, nhà thầu xây dựng trong thực hiện những quy định về an toàn lao động, khiến người lao động đối mặt với nhiều rủi ro. Nhiều DN không chấp hành việc bố trí người, bộ phận hoặc phòng, ban làm công tác an toàn lao động trên công trường; không thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Trước khi thi công, các DN không xây dựng kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động, có một số đơn vị xây dựng mang tính đối phó. Đặc biệt, ở nhiều công trình xây dựng, những vị trí nguy hiểm trên các sàn tầng, cầu thang bộ, hố thang máy đều không lắp lan can an toàn, che chắn, cảnh báo phòng tránh tai nạn lao động; sử dụng các loại máy thi công bằng kim loại không nối đất; dây điện để trực tiếp lên giàn giáo, trụ sắt, cột thép, trên sàn ẩm ướt không đảm bảo an toàn về điện.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng làm 12 người chết và 11 người bị thương. Nguyên nhân do sự cố công trình 2 vụ; sự cố máy móc, thiết bị, vật tư 4 vụ; do người lao động 6 vụ; do nguyên nhân khác 4 vụ.

Trong số 117 công trình mà ngành chức năng kiểm tra, có 91 công trình có sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhưng có gần 30 công trình vi phạm. Các đơn vị thi công này trốn tránh việc khai báo, kiểm định các loại máy móc, thiết bị như: Vận thăng, cẩu trục…; khi thi công cốp pha, lắp giàn giáo lại không thực hiện néo buộc, gia cố chắc chắn; rào chắn lưới vây quanh chống vật liệu rơi còn sơ sài. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn trốn việc thực hiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người quản lý, công nhân. Với những vi phạm trong công tác an toàn vệ sinh lao động, đã có không ít DN để xảy ra tai nạn lao động, sự cố về máy móc, thiết bị. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Xây dựng cơ khí Thiên An Thi đã từng để vận thăng tuột cáp, gãy đổ trục tháp làm 3 người chết, 3 người bị thương; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Đại Việt khi thi công đã để máy trộn bê tông rò điện dẫn đến điện giật chết 1 người và 1 người bị thương nặng…

Sau khi thanh, kiểm tra, các ngành chức năng đều lập biên bản yêu cầu các đơn vị khắc phục những sai phạm. Đồng thời, tiến hành kiểm tra lại để đánh giá việc thực hiện kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý trong việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động tại các DN thi công xây dựng. Phần lớn các DN có chuyển biến, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, do công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh khá nhiều, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng nên chưa thể thường xuyên thanh, kiểm tra rộng khắp. Do vậy, để bảo đảm an toàn lao động tại các công trình xây dựng, ngoài nhiệm vụ của các ngành chức năng, đơn vị thi công, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện những quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/moitruong-dothi/201909/nhieu-vi-pham-ve-an-toan-trong-xay-dung-8130386/