Nhiều văn nghệ sĩ lớn tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Sáng 24/3, đông đảo văn sĩ, trí thức, người yêu văn chương tới Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng tiễn đưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, cây bút lớn của nền văn xuôi Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng gửi vòng hoa đến viếng nhà văn.

Trong số người đến tiễn Nguyễn Huy Thiệp có rất nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Bảo Ninh, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Trần Thị Trường, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ Thành Chương...

Thương tiếc văn tài Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: "Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng hiếm có của làng văn Việt Nam". Theo ông, tác giả Tướng về hưu viết rất nhiều thể loại nhưng nổi bật nhất là truyện ngắn. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp tràn đầy dữ liệu từ đời sống với ngôn ngữ bậc thầy. Dù không phải là bạn bè thân thiết nhưng hai người rất yêu mến và trân trọng nhau.

Di ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Di ảnh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Hà Nội. Sau một thời gian lâm bệnh, ông qua đời lúc 16h45 ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, thọ 71 tuổi. Sự ra đi của ông được ví như việc mất đi cây đại thụ quan trọng bậc nhất của cánh rừng văn học Việt Nam từ năm 1975 đến nay.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời chỉ vài ngày sau khi tên ông được đưa vào danh sách 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật với hai truyện ngắn Tướng về hưuNhững ngọn gió Hua Tát.

Vòng hoa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam viếng nhà văn.

Sau tang lễ, thi hài của nhà văn sẽ được đưa tới nhà hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội). Tro cốt của ông sẽ được đưa về nghĩa trang gia đình ở thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội vào chiều nay.

Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên báo Văn Nghệ. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước đều xôn xao tranh luận về các tác phẩm ngồn ngộn dữ liệu về cuộc sống, về thân phận con người của ông.

Nguyễn Huy Thiệp viết cả truyện ngắn, kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng hiếm của văn đàn Việt Nam.

Ông từng nhận Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Các tác phẩm nổi bật của ông gồm truyện ngắn Tướng về hưu, chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 1988, Những ngọn gió Hua Tát (tập truyện ngắn và kịch, 1989), Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết, 1996), Tuổi 20 yêu dấu (tiểu thuyết, xuất bản ở Pháp năm 2002)...

Các con nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuẩn bị vào viếng và làm lễ tang cho cha.

Hai con trai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cúi lạy từ biệt cha lần cuối.

Gia đình, bạn văn và giới yêu văn nghệ trong lễ truy điệu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam viết sổ tang.

Nhà văn Trần Thị Trường.

Nhà văn Bảo Ninh đau buồn tiễn bạn văn.

Nhà văn Văn Giá đến từ sớm để tiễn biệt Nguyễn Huy Thiệp.

Họa sĩ Thành Chương (đứng giữa).

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết sổ tang.

Những dòng sổ tang đầy thương tiếc và trân trọng văn tài Nguyễn Huy Thiệp.

Gia Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-van-nghe-si-lon-tien-dua-nha-van-nguyen-huy-thiep-ar602773.html