Nhiều vấn đề quan trọng được giải quyết bên lề EEF 2018

Nhiều thỏa thuận quan trọng đã được ký kết bên lề Diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ IV, diễn ra tại thành phố Vladivostok, Liên bang Nga.

Diễn đàn năm nay được mở rộng đáng kể về quy mô và thu hút sự chú ý của dư luận xung quanh những cuộc gặp cấp cao trong khuôn khổ diễn đàn.

Ngày 13-9, Phó Thủ tướng kiêm đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Khu vực liên bang Viễn Đông Yuri Trutnev công bố, tính tới sáng cùng ngày, bên lề EEF, đã có 175 thỏa thuận được ký kết với tổng trị giá 2,9 nghìn tỷ ruble (tương đương 41,7 tỷ USD).

Trong số các thỏa thuận có trị giá lớn có dự án xây dựng cơ sở công nghiệp khai khoáng tại Chukotka, thỏa thuận về đầu tư của Quỹ Đầu tư châu Á Generations Fund vào các dự án khu vực Viễn Đông của tập đoàn nông nghiệp Rusagro và nhà máy phân khoáng Nokhodkinsky của Nga, thỏa thuận cung cấp 100 máy bay SSJ-100 cho hãng hàng không Aeroflot của Nga.

Trước đó, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đã có 2 cuộc gặp quan trọng với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 11-9 và với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 12-9. Tại cuộc gặp thứ nhất, người đứng đầu Điện Kremlin đã đề xuất Moscow và Tokyo vào cuối năm 2018 ký kết hiệp ước hòa bình mà không kèm theo điều kiện tiên quyết nào, để chính thức chấm dứt những sự thù địch giữa hai nước từ Thế chiến II.

Ông nói: “Bảy mươi năm chúng ta đã tiến hành đàm phán. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói rằng chúng ta hãy thay đổi cách tiếp cận về vấn đề này, một ý tưởng đã nảy ra trong đầu tôi. Hãy ký hiệp ước hòa bình, nhưng không phải bây giờ mà là trước khi kết thúc năm nay, và không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Đáp lại, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng điều quan trọng là cần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Nhật Bản và Nga, và cải thiện bầu không khí nhằm giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh có thể thúc đẩy ký hiệp ước hòa bình thông qua việc hai bên cùng ý thức rằng hợp tác Nga - Nhật sẽ tạo ra thành quả lớn và cải thiện đời sống người dân Nga. Về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, ông Abe cho rằng cần loại bỏ tình trạng thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Còn tại cuộc gặp thứ hai, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi Nga tiếp tục đẩy mạnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể là tham gia vào chiến lược “Vành đai và Con đường”, kết nối với Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU).

Ông đề cao vai trò của EEF như một diễn đàn tham khảo ý kiến và thảo luận về hợp tác khu vực. Về phần mình, Tổng thống nước chủ nhà cho biết, ông và Chủ tịch Tập Cận Bình có một mối quan hệ thân tình, đồng thời khẳng định với vị thế hiện nay, hai bên cần mở rộng hợp tác kinh tế và chính trị, tìm kiếm đồng thuận trong những vấn đề cùng quan tâm.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng đã nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc sang thăm Bắc Kinh, tham dự hội nghị thượng đỉnh lần 2 về sáng kiến “Vành đai và Con đường” năm 2019.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại cuộc gặp hôm 12-9.

Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo Nga – Trung cũng nhất trí tiếp tục các nỗ lực để giải quyết tình hình trên Bán đảo Triều Tiên theo kế hoạch mà hai nước đề ra.

Tổng thống Vladimir Putin cho hay, Moscow sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải pháp chính trị-ngoại giao cho vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên theo đúng lộ trình mà Nga và Trung Quốc đề ra.

Ông cũng cho biết hai bên hy vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng tới đây, mà yếu tố then chốt là bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga đã nhất trí hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, trong đó có việc Ulan Bator hỗ trợ giải quyết các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây.

Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, Tokyo muốn đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua hợp tác với Ulan Bator giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có Triều Tiên.

Do Mông Cổ có quan hệ ngoại giao với CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản mong muốn Ulan Bator đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị CHDCND Triều Tiên bắt cóc hồi những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.

Hồi tháng 6 vừa qua, sau cuộc hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên tại Singapore, các quan chức Nhật Bản và Triều Tiên đã có cuộc tiếp xúc không chính thức tại một diễn đàn an ninh ở Thủ đô Ulan Bator.

Trong khi đó, Thư ký của Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Kotaro Nogami cho hay lãnh đạo hai nước cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm gây sức ép Triều Tiên giải giáp vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, đồng thời, nhất trí thúc đẩy cuộc đối thoại hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ.

Theo ông Nogami, Thủ tướng Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy kinh tế đối với Mông Cổ, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/nhieu-van-de-quan-trong-duoc-giai-quyet-ben-le-eef-2018-510451/