Nhiều vấn đề nóng được 'mổ xẻ' trong Luật Giáo dục sửa đổi

Hôm nay (10/1) tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tham dự có TS. Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…

Giới thiệu về dự thảo Luật, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều. Trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục so với Luật hiện hành; tăng 1 chương, sửa đổi bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Cũng theo ông Nguyễn Đức Cường, cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành. Đồng thời, có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất, nội dung dự thảo Luật.

Trong đó, có một số chính sách mới đáng chú ý của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến: nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên ĐH, thạc sĩ; học phí học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm…

Các chuyên gia tại hội thảo. (Ảnh: YN)

Ông Nguyễn Đức Cường cũng chia sẻ các vấn đề nổi bật để xin ý kiến của các chuyên gia. Tiêu biểu như quy định về triết lý giáo dục, về hướng nghiệp và phân luồng, chính sách cử tuyển; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về học phí; về xã hội hóa giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng triết lý giáo dục có vai trò quan trọng đặc biệt. Trong giáo dục các nước tiên tiến và cả ở nước ta trước đây rất coi trọng vấn đề tự học và phương pháp truyền dạy, học. Ông Đặng Bá Lãm (Hiệp hội Các trường Đại học - Cao đẳng) cho rằng, trong Luật giáo dục sửa đổi còn nhiều điểm chưa có sự thống nhất về cách hiểu và cách xác định triết lý giáo dục thì chưa nên đưa vào Luật lúc này. Hơn nữa, việc quyết định về triết lý giáo nằm ngoài trách nhiệm của Ban Soạn thảo và Ban Biên tập Luật Giáo dục.

Đề cập đến quy định về hướng nghiệp, phân luồng, ông Lãm cho rằng, hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng bởi trong quá khứ những quy định đó đều không thành công.

Nói về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục, ông Đặng Bá Lãm chia sẻ, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục phải được phân bổ theo nguyên tắc công khai, tập trung dân chủ. Đồng thời, căn cứ vào quy mô giáo dục, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; đảm bảo ngân sách để thực hiện phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh Luật Giáo dục (sửa đổi). (Nguồn: Vietnammoi)

Ông Lãm cũng cho rằng giải pháp lâu dài là biến hệ thống đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thành hệ thống mở. Từ đó, để những ai có chứng nhận về trình độ chuyên môn và sư phạm đều có thể trở thành giáo viên, nhưng điều tiên quyết là việc trở thành giáo viên có sức hấp dẫn khi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Chia sẻ quan điểm của mình, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự chủ. "Trong Luật giáo dục đã thừa nhận quyền tự chủ của các trường đại học nhưng lại hạn chế quyền tự chủ của giáo dục phổ thông là không đúng. Tự chủ giúp người ta sáng tạo".

"Có tự chủ, nhà trường phải chịu trách nhiệm, xác định được địa chỉ phải chịu trách nhiệm, yếu kém ở đâu, xác định trách nhiệm giải trình. Nếu hạn chế theo tôi nghĩ là một bước thụt lùi”, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nhieu-van-de-nong-duoc-mo-xe-trong-luat-giao-duc-sua-doi-85270.html