Nhiều tuyến giao thông bị chia cắt tại Thừa Thiên - Huế

Nhiều tuyến giao thông tại Thừa Thiên - Huế bị chia cắt và ngập sâu.

Nước lên nhanh gây ngập lụt nhiều vùng trong tỉnh.Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Nước lên nhanh gây ngập lụt nhiều vùng trong tỉnh.Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Sáng 6/11, mực nước sông Hương tại Kim Long thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 3,64 m, trên báo động 3 là 0,14 m; sông Bồ tại Phú Ốc đạt 4,41 m, dưới báo động 3 là 0,09 m; các sông Ô Lâu tại Phong Bình và sông Truồi tại Cầu Truồi lần lượt là 2,5 m - 2,83 m, dao động ở mức báo động 3.

Mực nước trên các sông sau khi đạt đỉnh vào tối 5/11, hiện đang xuống chậm và dao động ở mức cao do triều cường ở phía hạ du (cao từ 0,5-0,7m), mặc dù đập ngăn mặn Thảo Long trên sông Hương đã mở hết 15/15 cửa; đập Cửa Lác trên sông Bồ mở toàn bộ 70/70 cửa để thoát lũ.

Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai vẫn ở cấp 3.

Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc và ngập lụt sâu, kéo dài nhiều ngày ở các vùng thấp trũng của huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thành phố Huế.

Đáng chú ý, nguy cơ rất cao xảy ra ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng, kéo dài ở các vùng thấp của huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

Tại thành phố Huế, hơn 80% tuyến đường đã bị ngập với chiều sâu trung bình từ 0,2-0,4m. Tại huyện Phong Điền, tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5 km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8 - 1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phong Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m.

Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến giao thông nông thôn bị ngập sâu từ 0,5 - 0,8m, gây cản trở giao thông. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, Quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5 - 0,7m với tổng chiều dài hơn 10 km.

Tại huyện Phú Lộc, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7m, kéo dài từ Cầu Hai đến trước cửa UBND xã Lộc Trì, gây ách tắc giao thông nhiều giờ. Hiện tại, tuyến đường này còn ngập sâu 0,3m, kéo dài 300m, các đơn vị đã phân luồng, cho xe lưu thông qua đoạn đường này.

Nước lên nhanh gây ngập lụt nhiều vùng trong tỉnh.Ảnh: Quốc Việt - TTXVN

Thị xã Hương Trà có hơn 20 km đường giao thông bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,7m , có nơi ngập sâu trên 1m. Tại huyện Nam Đông, mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, đoạn bờ biển qua thôn 4, xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) sóng đã đánh trôi với chiều dài khoảng 200m, nguy cơ mở cửa biển mới. Trước mắt, lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng lực lượng địa phương đang tập trung rọ đá, bao cát để hàn khẩu.

Ngoài ra, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa đặc biệt lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10 km gồm các đoạn bờ biển qua xã Quảng Công (huyện Quảng Điền); thị trấn Thuận An, các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang) và xã Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc).

Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các đơn vị triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không...

Các địa phương, đơn vị chủ động triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, cảnh báo các lều trại, khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm phá.../.

Quốc Việt/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhieu-tuyen-giao-thong-bi-chia-cat-tai-thua-thien-hue/66990.html