Nhiều tựa sách nổi tiếng của Nhà văn Sơn Nam được tái bản

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam (2008-2018), Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị đã mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam và sẽ tái bản lại 20 tựa sách nổi tiếng của 'Ông già Nam Bộ' để giới thiệu tới bạn đọc.

Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nhà văn Sơn Nam sẽ được tái bản. (Nguồn: nxbtre.com.vn)

20 tựa sách gồm những tác phẩm vốn đã được in trước đây, nhưng trong lần tái bản này, sẽ có sửa chữa, bổ sung và chia theo các nội dung: tập truyện ngắn/ truyện dài/ ghi chép/ biên khảo/ bút ký… nhằm tránh trùng lấp và bạn đọc có thể dễ dàng chọn sưu tập theo chủ đề. Độc giả sẽ có dịp đọc lại những tác phẩm nổi tiếng của “ông già Nam Bộ” - nhà văn Sơn Nam trên chất liệu giấy, bìa in mới như: Các tập truyện “Biển cỏ miền Tây, Mùa len trâu và các truyện khác”, “Hương quê, Tình nghĩa giáo khoa thư và các truyện khác”, “Hương rừng Cà Mau và các truyện khác”; “Ngôi nhà mặt tiền và các truyện vừa khác”; Truyện dài “Bà chúa Hòn”, “Vạch một chân trời - Chim quyên xuống đất”, Xóm Bàu Láng; Ghi chép “Theo chân người tình - Một mảnh tình riêng”; Tạp văn “Gốc cây, Cục đá & Ngôi sao - Danh thắng miền Nam”; Biên khảo “Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa -Người Sài Gòn”, “Đình miễu & lễ hội dân gian miền Nam”, “Đồng bằng Sông Cửu Long: Nét sinh hoạt xưa -Văn minh miệt vườn”, “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam - Thuần phong mỹ tục Việt Nam”….

Nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008) tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ở Kiên Giang. Gia đình ông vốn từ Cù lao Ông Chưởng ở Long Xuyên đến lập nghiệp ở ven rừng Cà Mau. Tuổi thơ của ông tắm mình trong hương sắc của rừng U Minh với muôn vàn cỏ cây hoa lá, chim muông. Đó chính là vốn sống đầu tiên, khởi nguồn cho cảm hứng sáng tác của ông sau này.

Tác phẩm đầu tay - tập thơ “Lúa reo”, xuất bản 1948 đến các tác phẩm sau này là truyện ngắn “Hương rừng Cà Mau”, biên khảo “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”... đều thể hiện rõ cống hiến quan trọng của nhà văn Sơn Nam đối với nền văn học lẫn khoa học lịch sử Sài Gòn-Nam Bộ, khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và các thế hệ bạn đọc yêu quý, nể phục.

Có thể nói, suốt cuộc đời theo nghiệp viết, nhà văn Sơn Nam chỉ đeo đuổi một đề tài: Tìm hiểu, khảo cứu và ghi chép lại ký ức khẩn hoang của người miền Nam, để qua đó tìm ra giá trị văn hóa cốt lõi con người và vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Điều đó đã làm nên những giá trị rất riêng trong tác phẩm của “Ông già Nam Bộ”./.

AV (t/h)

Nguồn Bộ VHTTDL: http://cinet.vn/thong-tin-cinet/nhieu-tua-sach-noi-tieng-cua-nha-van-son-nam-duoc-tai-ban-359001.html