Nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn thấp kỷ lục, tiếp tục đào tạo sinh viên sư phạm, nên hay không?

Theo thống kê năm 2016, nếu cứ tiếp tục tuyển dụng sinh viên sư phạm như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ có 70.000 sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp. Được biết, theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2014, cả nước thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT.

 Sinh viên trường sư phạm (Ảnh: daubao.com)

Sinh viên trường sư phạm (Ảnh: daubao.com)

Chỉ cần nhìn hai con số đó đã thấy rõ số lượng rất lớn giáo viên thừa và nhu cầu tuyển dụng hầu như là con số không. Vậy, tại sao chúng lại phải băn khoăn về chất lượng giáo viên tương lai khi nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn thấp mà không phải là nên hay không nên tiếp tục đào tạo chuyên ngành sư phạm (cho dù điểm chuẩn đầu vào cao)?

Đổi mới giáo dục hiện nay gắn với mục tiêu chú trọng đến sản phẩm đầu ra, nghĩa là chất lượng sản phẩm đầu ra như thế nào và cơ hội vận dụng chất lượng sản phẩm ấy phục vụ cho cuộc sống ra sao. Các trường đại học sư phạm hơn ai hết phải đi tiên phong trong vấn đề này.

Thế nhưng, tình hình đào tạo sinh viên sư phạm ở một số trường hiện nay đã không thể bảo đảm được mục tiêu: Thứ nhất, điểm chuẩn thấp thì chất lượng sản phẩm đầu ra khó mà đảm bảo; thứ hai, sinh viên tốt nghiệp chắc chắn thất nghiệp thì không thể đảm bảo về hiệu quả của sản phẩm đầu ra. Xã hội đang dần nhận thức được vấn đề nên số lượng học sinh nộp nguyện vọng vào các trường sư phạm đã giảm mạnh. Dẫu vậy, để tồn tại, các trường sư phạm vẫn bất chấp thực tế, vẫn “cố đấm ăn xôi” tuyển sinh cho bằng được bằng cách hạ điểm chuẩn.

Từ số liệu thống kê cho thấy, để giải quyết cho hết số lượng giáo viên THCS và THPT đang thừa đã là một bài toán khó. Nhu cầu tuyển dụng số giáo viên mới ra trường rất thấp, để giải quyết hết lượng dư thừa ấy ít nhất phải mất hơn chục năm sau và chưa dám chắc là có thể tuyển hết. Vậy, có cần phải đặt ra vấn đề lo lắng về chất lượng của giáo viên tương lai nữa hay không, bởi nói như một số người rằng: “Họ có đi dạy đâu mà lo chất lượng thấp”! Rõ ràng là chúng ta không dám đối diện với sự thật rằng: Nên đào tạo ngành sư phạm với quy mô và số lượng như hiện tại nữa hay là không? Câu trả lời ai cũng đưa ra được nhưng ít ai dám nói.

Vậy, số phận của các trường đại học sư phạm sẽ đi về đâu nếu không tiếp tục tuyển sinh đào tạo. Điều thiết thực nhất, trước hết là hãy tạm chuyển mục tiêu tìm đầu ra cho sinh viên thất nghiệp sang tìm đầu ra cho giảng viên các trường đại học sư phạm. Có thể đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo nâng cao chất lượng giáo viên, đào tạo chuyển đổi giáo viên THCS và THPT thừa sang giáo viên mầm non đang thiếu theo kế hoạch điều chuyển giáo viên thừa - thiếu ở từng địa phương…

Các nhà quản lý nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu giáo viên trong thời gian tới để biết ngành nào tạm ngừng đào tạo, ngành nào tiếp tục đào đạo và số lượng là bao nhiêu để tránh tiếp tục dư thừa, tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Làm được như thế thì không còn phải lo về chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm nữa, bởi những chuyên ngành vẫn còn khả năng xin được việc làm điểm chuẩn vẫn khá cao.

Thời gian vừa qua, vấn đề thừa giáo viên và sinh viên sư phạm thất nghiệp luôn được báo động. Song, những người có trách nhiệm và truyền thông vẫn nói chung chung là giảm đào tạo ngành sư phạm, năm nào cũng nói giảm nhưng giảm bao nhiêu, giảm như thế nào thì ít ai quan tâm, không ai chịu trách nhiệm. Chính vì thế mà con số 70.000 ngàn sinh viên sư phạm thất nghiệp dự kiến đến năm 2020 khiến dư luận sốc, cộng thêm việc hạ điểm chuẩn xuống thấp của một số trường sư phạm đã tạo nên “giọt nước tràn ly” để chúng ta đặt ra một hành động quyết liệt và dứt khoát hơn: Không phải giảm đào tạo mà là nên hay không nên tiếp tục đào tạo ngành sư phạm trong thời gian tới?

Thủy Lâm

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/nhieu-truong-su-pham-co-diem-chuan-thap-ky-luc-tiep-tuc-dao-tao-sinh-vien-su-pham-nen-hay-khong-547465.ldo