Nhiều trường đại học ở Sài Gòn liên kết, sinh viên hưởng lợi

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, các trường đại học ở Sài Gòn liên kết dưới hình thức giáo dục chia sẻ không những mang lại lợi ích cho người học, mà còn khiến giảng viên phải thay đổi.

Sinh viên Sài Gòn chế tạo robot tư vấn tuyển sinh đại học Robot Mi A do nhóm sinh viên bộ môn Cơ điện tử, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, chế tạo, có thể giao tiếp, phục vụ, dạy học, tư vấn tuyển sinh, chụp ảnh.

Đầu tháng 1/2019, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và ĐH Kinh tế TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác chia sẻ nguồn lực, đánh dấu sự hình thành mô hình giáo dục đại học sẻ chia đầu tiên ở Việt Nam.

Trước đó, 6 trường sư phạm tại TP.HCM đã thảo luận vấn đề chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình của nhau, hướng tới hình thành một "Uber" trong môi trường giáo dục đại học.

Là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về mô hình này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, khẳng định với Zing.vn rằng mô hình "Uber trong giáo dục" không chỉ giúp sinh viên hưởng lợi, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của giảng viên, trường đại học.

Tất cả vì sinh viên

- Hiện tại, kế hoạch chia sẻ nguồn lực giữa các trường đại học ở TP.HCM diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 12/2018, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã bắt đầu triển khai ý tưởng giáo dục sẻ chia với việc ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực với ĐH Kinh tế TP.HCM, trước mắt cho phép sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp khóa 2019, đăng ký học các môn trong chương trình đào tạo tại ĐH Kinh tế TP.HCM.

Những năm tới, các môn học về kinh tế và quản lý chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật công nghệ, sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ được phép học ở ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngược lại, nếu ĐH Kinh tế TP.HCM mở các ngành theo hướng xuyên ngành, với sự kết hợp giữa 2 lĩnh vực kinh tế và công nghệ, sinh viên trường này cũng được phép học tại trường tôi.

Trường cũng đã ký liên kết với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đào tạo các ngành Kỹ thuật Y sinh, Chẩn đoán hình ảnh..., công nhận tín chỉ, sử dụng chung phòng thí nghiệm, học liệu số và nghiên cứu khoa học trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và Big Data trong lĩnh vực Y sinh.

Sắp tới, nhà trường tiếp tục ký kết theo hướng sẻ chia với ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Sư phạm TP.HCM, HUTECH...

Sinh viên là đối tượng được lợi nhiều nhất từ mô hình sẻ chia nguồn lực giữa các trường đại học. Ảnh: UTE.

Sinh viên là đối tượng được lợi nhiều nhất từ mô hình sẻ chia nguồn lực giữa các trường đại học. Ảnh: UTE.

- Là một trong những người đầu tiên đề nghị sẻ chia nguồn lực giữa các trường đại học, xin ông cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ đâu?

- Trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường đều phải tăng học phí, khiến đa số sinh viên gặp khó khăn. Sự ra đời của giáo dục đại học sẻ chia sẽ giúp giảm chi phí đào tạo, tiến tới giảm học phí, giúp các em bớt khổ.

Thêm vào đó, với cơ chế linh hoạt trong việc chọn nơi học sau khi ký kết công nhận tín chỉ (credit articulation), sinh viên sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian đi lại, giúp giảm gánh nặng cuộc sống của bản thân và gia đình.

Sự ra đời của giáo dục đại học sẻ chia là tất yếu để các trường tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh tự chủ theo Luật Giáo dục Đại học mới sửa đổi. Nó phù hợp bối cảnh cuộc cách mạng số đang tạo ra những công nghệ mới trong giảng dạy, cho phép các em học bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Công nghệ thông tin cũng cho phép các trường chuyển đổi và công nhận tín chỉ mà các em tích lũy dễ dàng.

- Ngoài việc mạng lại lợi cho sinh viên như ông nói, mô hình này tác động như thế nào đến các trường đại học?

- Xu thế sẻ chia trong giáo dục đại học cũng xuất phát từ nền kinh tế thế giới. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển nhanh theo hướng dịch vụ dùng chung để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, đặc biệt là tài sản, trong đó có tài sản hữu hình và cả thời gian của con người.

Uber, Grab, Lyft (dùng chung xe), Airbnb (dùng chung nhà)... là những minh chứng rõ ràng về xu thế nói trên.

Trong bối cảnh tự chủ với mức học phí sẽ gia tăng và Nhà nước giảm dần bao cấp cho hệ thống giáo dục đại học, "uber hóa giáo dục" cũng mang lại nhiều lợi ích cho các trường.

Các trường sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian nhờ sử dụng chung nguồn lực: Con người, học liệu số, cơ sở vất chất như phòng học và đặc biệt là các phòng thí nghiệm.

Áp dụng mô hình giáo dục sẻ chia sẽ giúp các trường nhanh chóng thích ứng kỷ nguyên số, phát triển mạnh mẽ nhờ giảm chi phí đầu tư, giảm chi phí đào tạo, dẫn đến giảm học phí, tăng sức cạnh tranh của trường và cạnh tranh lẫn nhau giữa các giảng viên (do áp lực không có việc làm nếu không chịu thay đổi, như tài xế taxi công nghệ đang cạnh tranh với taxi truyền thống).

Một ưu điểm của mô hình này là các trường tiết kiệm kinh phí rất lớn trong đầu tư phòng thí nghiệm. Thêm vào đó, sự ra đời của các ngành mang tính xuyên ngành (nhiều trường vẫn theo mô hình cũ nên hầu hết là đơn ngành), đòi hỏi các trường phải chia sẻ nguồn lực, hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đào tạo mới được đảm bảo.

Ví dụ, các ngành giao thoa giữa kỹ thuật công nghệ và kinh tế, nếu có sự phối hợp giữa hai trường đại học, sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng chất lượng đào tạo. Ngoài ra, việc áp dụng dạy học số, online và mobile learning ở các trường hiện nay cũng là điều kiện giúp sinh viên theo học ở cơ sở đào tạo khác nhau theo thời gian thuận lợi cho mình.

Trường đại học, giảng viên phải thay đổi

- Với nhiều lợi ích như vậy, tại sao các trường không hướng đến mô hình này sớm hơn?

- Tuy có nhiều lợi ích, việc triển khai mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Một là, các trường chậm thay đổi tư duy.

Hai là, giảng viên sợ áp lực cạnh tranh từ các trường khác khiến giảm thu nhập.

Ba là, mức độ tự chủ của các trường khác nhau dẫn đến mức học phí khác nhau.

Bốn là, mức độ liên thông giữa chương trình đào tạo của các trường thấp khiến việc xác định môn học tương đương sẽ khó khăn.

Năm là, cơ sở vật chất, trình độ giảng viên của các trường vẫn còn sự chênh lệch khá lớn. Do đó, các trường phải triển khai từng bước, không nóng vội được.

Theo ông Dũng, các trường đang làm từng bước bởi vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình giáo dục sẻ chia. Ảnh: M.N.

- Liệu hình thức chia sẻ nguồn lực giữa các trường đại học có làm thay đổi môi trường, hình thức giáo dục đại học trong tương lai?

- Chắc chắn sẽ thay đổi, nhất là thay đổi tư duy của các bên liên quan. Nó cũng thúc đẩy sự cạnh tranh giữa giảng viên các trường, tạo ra động lực để phát triển.

Nếu các trường đại học bỏ qua rào cản, sức ỳ, tư duy cũ, cùng đồng lòng và quyết tâm thực hiện, giáo dục sẻ chia sẽ là cuộc cách mạng trong thay đổi tư duy và nhận thức, giúp các trường tiết kiệm chi phí để đầu tư có định hướng cho phát triển của đơn vị mình.

Giáo dục đại học sẻ chia cũng đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng hơn cả là tính nhân văn của giáo dục đại học sẻ chia - tất cả vì người học, sinh viên.

Tất nhiên là sẽ xảy ra sự cạnh tranh quyết liệt, nhất là giảng viên giữa các trường. Sự cạnh tranh này làm ảnh hưởng tâm lý của lãnh đạo, là rào cản đối với giáo dục đại học sẻ chia. Bởi vì, lãnh đạo các trường sợ giảng viên phản ứng nên vẫn muốn khép kín trong đơn vị mình, mà không dám hợp tác. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ giúp giảng viên tự làm mới mình, trau dồi để hoàn thiện.

- Về hành lang pháp lý, Luật Giáo dục Đại học hiện nay có đủ “mở” để các trường tự do trao đổi, chia sẻ nguồn lực? Mô hình đang hướng tới có mâu thuẫn hay cạnh tranh với học qua mạng, sinh viên cũng được tự do chọn giảng viên, thời gian, trường học?

- Luật Giáo dục Đại học mới sửa đổi là nền tảng cho giáo dục sẻ chia. Luật cũng không cấm các trường hợp tác chia sẻ nguồn lực. Tuy nhiên, cơ chế chính sách phải thay đổi để theo kịp với sự phát triển của giáo dục đại học

Tất cả các trường đều sẽ phải đối mặt với các khóa MOOCs (khóa học thông qua Internet không giới hạn số người tham dự). Tuy nhiên, giáo dục đại học sẻ chia cũng áp dụng hình thức này thì mới sẻ chia được. Nói cách khác, hai hình thức này sẽ tồn tại song song, hỗ trợ lẫn nhau.

Minh Nhật thực hiện

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-truong-dai-hoc-o-sai-gon-lien-ket-sinh-vien-huong-loi-post904943.html