Nhiều trường có tên gần giống nhau: Học sinh nhầm lẫn, 'cò' trục lợi?

Sau những phản ánh liên quan đến việc đào tạo của Trường trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội được đăng tải, đại diện nhà trường đã có công văn chính thức phản ánh về sự việc này.

Nhiều trường Trung cấp có tên gần giống nhau nên học viên bị nhầm lẫn?

Trước đó, tòa soạn có nhận được nhiều thông tin do bạn đọc phản ánh về một số cơ sở đào tạo hệ trung cấp nghề ở Hà Nội có dấu hiệu lạm thu và những bất cập trong quá trình cấp bằng. Tuy nhiên, chỉ có phản ánh của anh Huỳnh Thanh V. trú tại Kon Tum là bằng đơn và gửi kèm đầy đủ những hồ sơ chứng từ có liên quan kèm theo.

Nhận thấy những dấu hiệu phức tạp, tòa soạn đã cử nhóm PV xuống hiện trường, trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan ở cơ sở và những người có tên được nêu trong đơn phản ánh của người bị hại. Trên những cơ sở và tài liệu có liên quan, PV đã biết bài phản ánh những thông tin ghi nhận ban đầu với nội dung nghi vấn về một trường trung cấp dạy nghề ở Hà Nội liệu có phải là "trường ma".

Đại diện trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội trong buổi làm việc với báo chí

Qua xác minh thông tin, làm việc với các cá nhân và tổ chức có liên quan, chúng tôi nhận thấy trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) có ít nhất 3 cơ sở đào tạo trung cấp có tên gần giống nhau: Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội (Số 135 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý); Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội (Số 21 Bùi Bằng Đoàn, Phường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội); Trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội (Số 560 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH quản lý)...

Nội dung đơn của Huỳnh Thanh V. và một số tài liệu bạn đọc phản ánh là Trường trung cấp nghề KTTH Hà Nội nhưng lại gắn với địa chỉ 560 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội của Trường trung cấp Dân lập nghề KTTH Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH quản lý.

Về nội dung này, trong buổi làm việc với ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng dạy nghề thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội cũng đã xác nhận: Không có trường Trung cấp nghề kỹ thuật tổng hợp Hà Nội trong danh sách quản lý của Sở.

Trên cơ sở đó, PV đã trao đổi lại với Huỳnh Thanh V. về việc một số thông tin anh V. phản ánh chưa thật chính xác, thậm chí còn có sự nhầm lẫn về đối tượng phản ánh. Anh V. sau đó đã bày tỏ nguyện vọng xin được rút lại đơn phản ánh.

Trên phiếu thu của học viên ghi Trường TCKT Tổng hợp Hà Nội nhưng nội dung phản ánh của học viên lại về Trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội (Số 560 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH quản lý)...

Sau bài viết trên, nhóm PV tiếp tục nhận được ý kiến về những bất cập trên thông qua nhóm học viên trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ngay trong các nhóm trên cũng đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Bạn đọc có cung cấp một số video, hình ảnh những không xác định rõ đối tượng được phản ánh thuộc Trường nào trong ba trường nêu trên. Điều quan trọng là nhóm học viên từ chối đối thoại và cung cấp thông tin trực tiếp, cộng với những trao đổi trên diễn đàn của PV theo hướng khách quan, đa chiều thường bị ai đó quản trị xóa đi hoặc thay đổi tên diễn đàn. Nhất là những thông tin công khai danh tính và số điện thoại của PV để thuận tiện cho việc thu thập thông tin trên những diễn đàn trên đều bị xóa đi ngay lập tức. Nhóm PV nhận thấy nguồn tin qua các kênh tham khảo trên, dường như bị chi phối bởi ai đó có thành kiến với Trường trung cấp Dân lập nghề KTTH Hà Nội.

Rất có thể, do trên địa bàn quận Hà Đông có nhiều cơ sở đào tạo trung cấp nghề nhưng lại có tên gọi rất giống nhau. Đây có thể là kẽ hở để một số cộng tác viên tuyển sinh của nhiều trường trung cấp lạm dụng mượn danh nghĩa trường này nhưng lại làm việc cho trường khác. Sự cạnh tranh trong công tác tuyển sinh giữa các trường thông qua các đầu mối tuyển sinh là các cộng tác viên đã làm nảy sinh những hệ lụy. Liệu có những "bóng ma" vô hình nào đó đang chi phối hoạt động này tạo ra những "trường ma" để trục lợi hay còn vì động cơ khác?

Một diễn biến khác phát sinh khi sự việc đang trong quá trình xác minh làm rõ theo hướng tiếp cận khách quan đa chiều và những hoài nghi về sự nhầm lẫn giữa các trường Trung cấp trên địa bàn thì có một số đối tượng lạ mặt tự xưng là đại diện của Trường trung cấp Dân lập nghề KTTH Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH quản lý đến tòa soạn gây rối và có những lời lẽ thiếu chuẩn mực; thậm chí trong đoạn đối thoại còn cố ý nói tên một số người có trách nhiệm ở Sở LĐTB&XH Hà Nội...

Xâu chuỗi những sự việc trên, chúng tôi hoài nghi những đối tượng "lạ mặt" này có thể không phải là cán bộ của Trường trung cấp Dân lập nghề KTTH Hà Nội và việc nêu tên một số cán bộ Sở LĐTB&XH với những động cơ khác nên nhóm PV tiếp tục làm việc với một số cơ quan có liên quan để tìm câu trả lời.

Trường trung cấp nghề Dân lập KTTH Hà Nội chính thức phản hồi

Chính thức phản hồi trước những thông tin trên, đại diện Trường trung cấp nghề Dân lập KTTH Hà Nội đã có buổi làm việc với tòa soạn và nhóm PV vào sáng ngày 08/11/2018.

Theo đó, đại diện phía nhà trường khẳng định:Trường trung cấp nghề Dân lập KTTH Hà Nội không cử ai đến tòa soạn để làm việc hoặc gây rối trước đó. Việc làm trên có thể do một số cộng tác viên hoặc do một cơ sở khác cố tình làm vậy để giảm uy tín của nhà trường.

Đại diện Trường trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Báo điện tử Người Đưa Tin - Chuyên trang Khỏe 365 đã kịp thời phản ánh những thông tin trung thực, khách quan, đa chiều.

"Từ những thông tin mà báo chí phản ánh, nhà trường đã có những động thái tích cực, cụ thể là rà soát lại quy trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, mở rộng quy mô, đáp ứng theo nhu cầu của xã hội và quy định của pháp luật hiện hành", vị đại diện trường nhấn mạnh.

Đồng thời, phía trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội cũng khẳng định về các khoản thu học phí cũng như các khoản phụ phí khác, nhà trường đều thu đúng theo các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của các Sở, ban ngành có liên quan.

Trong công văn số 08/11/CV-TCNDLKTTH, trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội đã giải thích: "Do đặc thù của công tác đào tạo nghề thường gắn việc đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề qua đào tạo kết hợp với thực tập hướng nghiệp nên công tác tuyển sinh của trường thông qua các cộng tác viên ở các địa phương khác nhau.

Hiện tại nhà trường chưa có bất kỳ hoạt động liên kết đào tạo nào. Tuy nhiên, nhà trường có phối hợp với một số trường trong công tác tuyển sinh như Trường Cao đẳng cơ khí luyện kim (Thái Nguyên), Trường cao đẳng sư phạm Thái Bình, Trường cao đẳng sư phạm Hà Tây...Đây là hoạt động thường xuyên của các trường được pháp luật cho phép trong việc phối hợp tuyển sinh.”.

Công văn trả lời báo chí của Trường trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội

Liên quan đến việc một vài công tác tuyển sinh và đào tạo mà báo chí phản ánh, đại diện trường xác định nguyên nhân do cộng tác viên chưa làm đúng quy trình. Phía trường đã nghiêm túc kiểm điểm các cộng tác viên này và kịp thời khắc phục, tránh ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhà trường.

Kết thúc buổi làm việc, đại diện Trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật tổng hợp Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại, trao đổi thẳng thắn, chân thành và trả lời tất cả những băn khoăn có liên quan của học sinh và phụ huynh về những vấn đề nêu trên”.

Vị đại diện Trường Trung cấp nghề dân lập kỹ thuật Tổng hợp Hà Nội cũng cho biết thêm: Ngoài việc trên địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo tương đồng, đặc thù công tác tuyển sinh học viên phân tán ở các địa bàn thông nên phải thông qua các cộng tác viên thì việc nhà trường đang triển khai xây dựng cơ sở vật chất khang trang cũng có thể làm cho ai đó không vừa lòng nên có những việc làm nhằm hạ thấp uy tín, sự tín nhiệm của học sinh và phụ huynh...Thông qua sự việc này, phía nhà trường sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rà soát lại các khâu tuyển sinh để ngày càng hoàn thiện quy trình đào tạo, nâng cao vị thế của nhà trường trong xã hội.

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, nhiều chuyên gia cũng thừa nhận một thực trạng của xã hội hóa giáo dục, nhất là hoạt động đào tạo nghề vừa có những mặt năng động tích cực vừa tồn tại những bất cập mang tính mặt trái như tính hình thức, chất lượng giáo dục thấp, sự quản lý chồng chéo giữa nhiều cơ quan. Hiện nay có nhiều nguồn vốn khuyến khích cho hoạt động đào tạo nghề như khuyến nông, khuyến công và các chương trình đào tạo nghề cho nông dân, cho học viên xuất ngũ, cho đối tượng xuất khẩu lao động...nên nhiều doanh nghiệp cũng tham gia công tác đào tạo nghề xuất phát từ động cơ lợi nhuận. Việc xuất hiện nhiều cơ sở cùng đào tạo một đối tượng là nguyên nhân dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh, sự giành giật học viên và không loại trừ cả việc tung tin gây nhiễu đối phương, lối kéo những thành phần cơ hội hoặc khai thác những sai sót nhỏ của đối phương...nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ vì những động cơ thị trường rất rõ dệt.

Qua sự việc trên, dư luận mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo nghề cần tăng cường quản lý; các cơ sở đào tạo cần hoàn thiện quy trình đào tạo, minh bạch hóa thông tin; các bậc phụ huynh học sinh cần tỉnh táo lựa chọn nghề cũng như tham gia các giao dịch trung gian thông qua các cộng tác viên trong quá trình đào tạo...để tránh cảnh "tiền mất, tật mang", "đục nước béo cò" và những hệ lụy của nó cho bản thân và xã hội.

Thành Nguyên - Phương Thiện

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/nhieu-truong-ten-gan-giong-nhau-hoc-sinh-nham-lan-co-truc-loi-54506.htm