Nhiều trưởng ban quản lý rừng Lâm Đồng bị đình chỉ công tác vì để mất rừng

Ngày 17/4, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa yêu cầu 3 huyện nói trên tạm đình chỉ công tác để kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật đối với các trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà (huyện Lâm Hà), đầu nguồn Đa Nhim (huyện Lạc Dương), Phi Liêng và Sêrêpốk (huyện Đam Rông).

Nguyên do các Trưởng ban này đã thiếu trách nhiệm, để xảy ra nhiều vụ vi phạm lâm luật phức tạp trên lâm phần được giao quản lý trong năm 2020 và quý 1/2021.

Ban ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk đã để xảy ra 56 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 17 vụ nổi cộm, 47 vụ không xác định được đối tượng vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại hơn 17ha và khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 530m3.

Ban ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà để xảy ra 51 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 26 vụ không xác định được đối tượng vi phạm, diện tích rừng bị mất hơn 5,3ha và lâm sản bị thiệt hại hơn 214m3.

Hiện trường phá rừng ở xã Ia Mơ

Hiện trường phá rừng ở xã Ia Mơ

Ban ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 5 vụ nổi cộm, 5 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm, diện tích rừng bị thiệt hại và bị tác động hơn 6,8ha; khối lượng lâm sản bị thiệt hại gần 393m3 và số lâm sản bị tác động trên 415m3.

Ban ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng để xảy ra 49 vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ vi phạm nổi cộm, 45 vụ chưa xác định được đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị mất gần 4 ha, khối lượng lâm sản bị thiệt hại hơn 387m3.

Từ đầu tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản nêu rõ, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng để xảy ra các vụ phá rừng phức tạp nổi cộm hoặc cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng liên quan phải chịu trách nhiệm, không được bình xét thi đua năm 2021. UBND tỉnh sẽ xem xét đình chỉ công tác, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm.

Tại tỉnh Gia Lai: Rừng ở đây liên tục bị hủy hoại, khai thác trái phép bất chấp những chỉ đạo… "giữ rừng" từ cơ quan chức năng lớn, nhỏ của tỉnh này. Một trong số đó có huyện Krông Pa với thống kê mới đây có 1.077 lâm tặc tại huyện này, tỉnh Gia Lai còn nhiều huyện "nóng" về tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng như Mang Yang, Đắk Đoa, Kbang, Chư Prông… Thống kê từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay đã xảy ra 7 vụ phá rừng với hơn 3,5 ha bị thiệt hại; khai thác lâm sản trái phép 20 vụ với 87m3, trong đó khởi tố 9 vụ.

Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" xảy ra tại tiểu khu 1432 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba, thuộc xã Ia Dreh, huyện Krông Pa) với 119 cây gỗ bị cắt hạ, tổng khối lượng 42m3 gỗ.

Trước tình trạng nạn khai thác, phá rừng trên địa bàn, ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa đã ký báo cáo về tình hình xử lý các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn huyện này gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai.

Theo đó, UBND huyện Krông Pa thừa nhận, thời gian qua, trên địa bàn này tình trạng khai thác, vận chuyển, sử dụng gỗ rừng tự nhiên diễn biến phức tạp, các đối tượng lâm tặc hoạt động công khai, manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng thực thi nhiệm vụ khi bị phát hiện, đã thống kê trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện này có 1.077 lâm tặc. Trước tình hình trên, huyện này đã thực hiện phương án 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, công cụ và phương tiện tại chỗ) để "chống lâm tặc".

Các địa phương thuộc huyện Krông Pa sẽ lập danh sách những lâm tặc trên địa bàn, sau đó các lực lượng chức năng theo dõi, mật phục, xử lý, tịch thu phương tiện, công cụ sử dụng để khai thác rừng của các đối tượng lâm tặc như xe độ chế, cưa máy…, phương án trên đã được triển khai thực hiện từ ngày 15/3/2021 đến nay và đã phát hiện và xử lý được 40 đối tượng, thu giữ trên 30m3 gỗ tự nhiên, tịch thu 40 xe máy độ chế, 3 xe ô tô độ chế, 6 cưa máy. Báo cáo "rắn" này bước đầu cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tuy nhiên, người dân vẫn đang chờ để thấy được hiệu quả cũng như duy trì việc xử lý mới này.

Rừng bạch tùng bị phá

Chiều 16/4, khoảng một tiếng đồng hồ tại hiện trường, phóng viên ghi nhận được 3 vị trí rừng bị phá, ước tính khoảng 5ha thuộc địa bàn xã Ia Mơ. Những thân gỗ đường kính từ 10cm đến 60cm bị cắt hạ la liệt tại hiện trường.

Về việc này, ông Đinh Văn Khẩn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơ cho biết, sẽ cử lực lượng đi kiểm tra và báo cáo lại kết quả xử lý đến báo chí. Trong ba tháng đầu năm 2021, ông Khẩn cho biết đơn vị do ông quản lý đã phát hiện 4 vụ cơi nới, lấn chiếm nương rẫy trái phép với tổng diện tích hơn 5,6 ha, 2 vụ vận chuyển lâm sản trái phép với tổng khối lượng hơn 2,7m3.

Ông trao đổi với PV Dân sinh rằng: Lực lượng của đơn vị này chỉ 10 người nhưng phải bảo vệ hơn 10 nghìn ha rừng. "Mất rừng là trách nhiệm của chúng tôi. Tuy nhiên, nhu cầu đất sản xuất người dân cao nên họ vẫn lén lút lấn rừng làm rẫy. Việc lấn chiếm đất rừng diễn ra nhiều hơn khi có kế hoạch chuyển đổi khoảng 8,5 nghìn ha rừng làm vùng tưới của Thủy lợi Ia Mơ", ông Khẩn nói.

LN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nhieu-truong-ban-quan-ly-rung-lam-dong-bi-dinh-chi-cong-tac-vi-de-mat-rung-20210418085506069.htm