Nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn biến đất công thành đất tư

Thanh tra Chính phủ vừa điểm mặt nhiều sai phạm liên quan đến quản lý đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam.

Tình trạng quản lý, sử dụng đất công bừa bãi, gây lãng phí công sản đã từng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Tình trạng quản lý, sử dụng đất công bừa bãi, gây lãng phí công sản đã từng xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Đất công bị xà xẻo, cho thuê tràn lan

Tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tổng Công ty Lâm nghiệp, số lượng cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do 2 tập đoàn này chịu trách nhiệm quản lý là 842 công sản với diện tích hơn 1.200 ha và 1.200 m2 (đến ngày 31/12/2017) thuộc đối tượng phải xử lý, sắp xếp lại. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có 759 cơ sở nhà, đất nhưng mới sắp xếp xử lý được 43 cơ sở, (chiếm 5,7%) cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, cơ sở nhà đất số 177 Hai Bà Trưng (Quận 3, TPHCM) và số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho một số đơn vị thuê một phần diện tích làm văn phòng làm việc là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Tương tự, một số cơ sở nhà, đất khác tại quận Bình Thạnh (TPHCM) cũng được tập đoàn này đem cho thuê và để xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc không sử dụng gây lãng phí.

Ngoài ra, Công ty Tài chính cao su đã mua tài sản là nhà, đất không đúng quy định pháp luật như không tiến hành đấu thầu, ký hợp đồng mua tài sản khi chưa lập dự án đầu tư. Đáng nói, giá mua tài sản là đất tại số 410 Trường Chinh (Phường 13, quận Tân Bình), số 179A Nơ Trang Long (Phường 12, quận Bình Thạnh) và số 44 đường số 8 (Phường 11, Quận 6, TPHCM) vào năm 2004 và 2005 cao hơn giá đất do UBND TP ban hành năm 2018.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra sai phạm tại của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại thửa đất số 67 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Kết quả kiểm tra tại thửa đất này cho thấy, theo biên bản làm việc giữa Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Công ty Thương mại Lâm sản Hà Nội, 12 gian nhà tầng 1 có diện tích hơn 343 m2 thuộc quyền quản lý và sử dụng của Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam nhưng lại được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiến hành thủ tục đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích trên cho Công ty Cổ phần Thương mại Lâm sản Hà Nội (2007), gây thiệt hại lớn.

Biến đất công thành tư bằng chiêu bài hợp tác

Tại Tổng Công ty Chè Việt Nam, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thanh tra về một số nội dung về đất góp vốn liên doanh, liên kết tại doanh nghiệp. Cụ thể, khu đất “vàng” ở số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Quận 3, TPHCM) có diện tích 446,8 m2 thuộc quản lý của Tổng Công ty Chè đã “vào tay” Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ GB sau một thời gian hợp tác.

Năm 2009, HĐQT tổng công ty có nghị quyết phê duyệt chủ trương hợp tác cho thuê làm văn phòng lâu dài với Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ GB, thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã được ký kết là 35 năm. Đến năm 2013, HĐQT tổng công ty có nghị quyết thực hiện việc thoái vốn là tài sản tại lô đất nêu trên, không thông qua đấu giá. Hiện Công ty GB đang quản lý sử dụng lô đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc Tổng Công ty Chè sử dụng một số cơ sở nhà, đất góp vốn liên doanh, liên kết, thoái vốn, bán tài sản tại các doanh nghiệp Nhà nước không được chủ sở hữu chấp thuận, không thông qua đấu giá là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Từ kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chấn chỉnh, khắc phục và xử lý những tồn tại, vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam và Tổng Công ty Chè Việt Nam; Đồng thời giao Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra xác minh để xử lý theo quy định pháp luật đối với vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà, đất tại các dự án trên.

Theo ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM, nhiều doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước đang buông lỏng vấn đề quản lý đất đai, gây ra nhiều thiệt hại. Hiện Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý và thuê bảo vệ đối với 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã khảo sát, ghi nhận hiện trạng 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn Nhà nước quản lý. Đáng chú ý, trong số này có đến 188 khu đất bị sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và 110 khu đất bỏ trống.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhieu-tong-cong-ty-tap-doan-lon-bien-dat-cong-thanh-dat-tu-XX9Ua2FMR.html