Nhiều tồn tại trong công tác PCCC ở chung cư BMM - Bài 3: Chủ đầu tư phớt lờ chỉ đạo?

Tháng 5/2017, Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Đông đã tạm đình chỉ hoạt động của chung cư BMM. Sau đó 1 tháng là quyết định đình chỉ. Tiếp đến là hàng loạt các quyết định của Sở Xây dựng, quận Hà Đông, nhưng CĐT vẫn phớt lờ.

Bài 2: Không thể thoát nạn vào cầu thang bộ

Bài 1: Từng bị đình chỉ vì nhiều sai phạm PCCC

Nhiều văn bản chỉ đạo...
Sau những sai phạm kể trên của Công ty BMM, phường Phúc La, quận Hà Đông, cơ quan PC&CC, Sở Xây dựng đã ra rất nhiều văn bản yêu cầu CĐT thực hiện các nội dung.
Cụ thể, ngày 7/3/2017 UBND quận Hà Đông đã có văn bản 393/UBND-QLĐT yêu cầu: Công ty sản xuất thương mại BMM khẩn trương bàn giao 2% phí bảo trì cho cư dân; bàn giao hồ sơ nhà chung cư trước ngày 30/3. Hệ thống PCCC của tòa nhà chưa được hoàn thiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.

 Quyết định đình chỉ hoạt động chung cư BMM của Phòng cảnh sát PC&CC số 9 Hà Đông tháng 6/2017.

Quyết định đình chỉ hoạt động chung cư BMM của Phòng cảnh sát PC&CC số 9 Hà Đông tháng 6/2017.

Cũng chính vì tòa nhà vượt quá số căn hộ theo thiết kế nên UBND quận Hà Đông ngày 14/4/2017 đã đề nghị Sở Xây dựng cùng vào cuộc xử lý vấn đề này và những nội dung nêu trên.
Sau nhiều lần họp giữa các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền nhưng Công ty BMM vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm đối với cư dân và đảm bảo công tác PCCC.
Đến ngày 12/6/2017, Phòng Cảnh sát PC&CC số 9 quận Hà Đông đã phải có quyết định đình chỉ hoạt động của tòa nhà chung cư BMM. Trong quyết định nêu rõ: Căn cứ vào Nghị đinh 79 của quy định chi tiết của Luật PCCC và Thông tư 66 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Luật PCCC, … Căn cứ vào tình hình thực tế, xét thấy nguy cơ trực tiếp phát sinh chát nổ chưa được loại trừ, vi phạm không được khắc phục và nguy cơ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng của tòa nhà chung cư BMM do Công ty sản xuất thương mại BMM làm CĐT, Quyết định đình chỉ hoạt động đối với tòa nhà chung cư BMM tại tổ dân phố 19, phường Phúc La, Hà Đông.
Đến ngày 16/10/2017 UBND phường cũng đã họp với các bên là CĐT, BQT yêu cầu CĐT thực hiện các nội dung trên; đồng thời yêu cầu CĐT bàn giao công việc quản lý vận hành nhà cho BQT và chỉ có 1 đơn vị quản lý vận hành tòa nhà.

Cuối năm UBND phường Phúc La và Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục họp và ban hành những văn bản yêu cầu CĐT khắc phục lỗi kể trên, nhưng đến nay Công ty BMM không có động thái nào.

Văn bản của Sở Xây dựng.

Chính vì độc quyền quản lý các tầng kỹ thuật, CĐT không bàn giao máy phát điện, hệ thống cấp nước cho tòa nhà. Theo một cư dân ở tầng 14, CĐT thường xuyên cắt điện. Nhiều lúc người già, trẻ nhỏ đang ở trong thanh máy cũng cắt điện, cư dân bị nhốt trong đó. Chủ đầu tư không bàn giao đồng hồ nước tổng để chủ động trong công tác quản lý vận hành, thau rửa bể nước. Đặc biệt, nếu có hỏa hoạn thì việc sử dụng nước cho công tác PCCC cũng gặp khó khăn.
Cảnh sát PC&CC Công an và TP Hà Nội đã liệt tòa nhà chung cư BMM nằm trong danh sách 79 tòa nhà được bị chỉ đích danh không thực hiện, đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót về PCCC đã được Cơ quan Cảnh sát PC&CC kiến nghị, công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.
Cư dân căng băng rôn đòi quyền lợi
Dù đã 10 tháng sau khi quyết định đình chỉ hoạt động được ban hành thì tòa nhà này dân vẫn ở và CĐT cũng không mảy may có một động thái nào khắc phục sai phạm kể trên.

Ngày 15/4 vừa qua cư dân tại chung cư BMM đã căng băng rôn khẩu hiệu đòi quyền lợi của mình.

Cơ quan nhà nước đã mất rất nhiều cuộc họp, giấy mực, nhưng dường như đã rơi vào bất lực trước mọi sai phạm của CĐT. Chính vì thế, 15/4 vừa qua, đúng tròn 10 tháng có quyết định đình chỉ hoạt động của tòa nhà, hàng chục cư dân đã đứng trước cửa chung cư căng băng rôn hô vang các khẩu hiệu đòi quyền lợi cho mình. Cư dân đã nêu ra 5 nội dung mà người dân bức xúc, yêu cầu cần được Công ty BMM giải quyết nhằm đáp ứng yêu cầu PCCC, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cư dân.

Cư dân chỉ có một diện tích rất nhỏ ở trước sân tòa nhà để đi lại, phần diện tích còn lại bị xe ô tô chặn kín cả ngày và đêm. Nếu có hỏa hoạn thì xe cứu hỏa cũng mất thời gian khá lâu mới tiếp cận được tòa nhà.

Cụ thể: Một là, yêu cầu CĐT hoàn thiện hệ thống PCCC, nghiệm thu và đưa vào sản dụng để phục vụ cho công tác PCCC. Hai là, chủ đầu tư bàn giao hồ sơ nhà, vì hiện nay CĐT mới bàn giao bản hoàn công, còn các bản vẽ thiết kế được cơ quan chức năng thẩm duyệt để đối chiếu với hiện trạng và bản vẽ hoàn công CĐT khong bàn giao. Ba là, bàn giao 5 tầng còn lại và tầng hầm để BQT tòa nhà quản lý, vận hành. Có như vậy thì mới giải quyết được các vấn đề bất cập ảnh hưởng đến công tác PCCC của tòa nhà. Bốn là, bàn giao phí bảo trì 2% để BQT vận hành tòa nhà và sửa chữa các thiết bị, hạng mục hỏng hóc, xuống cấp. Năm là, CĐT trả lại phần diện tích không gian xung quanh tòa nhà để phục vụ cho công tác cứu hỏa nếu có và phục vụ một phần không gian cho cư dân làm nơi vui chơi, giải trí.

Bài và ảnh Thời Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhieu-ton-tai-trong-cong-tac-pccc-o-chung-cu-bmm-bai-3-chu-dau-tu-phot-lo-quyet-dinh-cua-co-quan-chuc-nang-314473.html