Nhiều tỉnh, thành phố đặt quyết tâm phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ mới

Trong nhiệm kỳ mới, nhiều tỉnh, thành phố đề ra mục tiêu phát triển mạnh mẽ tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ hiện đại.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các tỉnh, thành phố phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi dịch COVID-19 xuất hiện, hạn hán, xâm nhập mặn và lũ quét, sạt lở đất liên tiếp xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và của.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh trên cả nước đã biến những khó khăn này trở thành động lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đề ra mục tiêu phát triển mạnh mẽ tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ hiện đại.

Phát triển công nghệ cao

Chia sẻ với với phóng viên VTC, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết, tỉnh đã nỗ lực để thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh đề ra mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, phát triển mạnh mẽ 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, thúc đẩy phát triển cảng biển và Logistics, phát triển mạnh mẽ khu du lịch và công nghệ cao. Việc thu hút đầu tư có chọn lọc làm cho môi trường đầu tư của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày càng tốt lên.

"Trong 5 năm qua, chúng tôi tự tin để phát triển mạnh mẽ hơn về kinh tế, chăm lo cho người dân và tập trung cho công tác xây dựng Đảng ngày càng vững chắc", ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Trong nhiệm kỳ tới, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, tiếp tục xây dựng mô hình kinh tế thân thiện với môi trường, kiểm soát vấn đề sử dụng lao động có hàm lượng chất xám cao và công nghệ tốt.

Đồng thời, tỉnh tập trung hạ tầng kỹ thuật cho phát triển các đô thị và xử lý nước thải đô thị. Còn về hạ tầng xã hội sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, xây dựng phát triển mạnh các hệ thống giáo dục quốc tế để đáp ứng nhu cầu học của người dân mà không cần phải đi du học nước ngoài.

Ngoài ra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phát triển nhiều hơn điểm văn hóa thể thao cho người dân, công viên, sân thể thao, những điểm văn hóa cuối tuần cho người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng chia sẻ về những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Cao Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, những năm qua, Đồng Nai chú trọng phát triển tất cả các lĩnh vực. Tỉnh này cũng đẩy nhanh thu hút phát triển công nghiệp và đến nay đã thu hút trên 80% doanh nghiệp vào sản xuất trong các khu công nghiệp.

Ông Cao Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

Trong 5 năm tới, ông Dũng hy vọng kinh tế của Đồng Nai sẽ có những chuyển biến rõ ràng về công nghiệp phát triển tốt, dịch vụ tốt và sản xuất nông nghiệp cũng tăng trưởng tốt.

"Trong thời gian tới đây, công tác chúng tôi quan trọng nhất là công tác quy hoạch tổ chức thực hiện và đánh giá các công việc, cái nào tốt hay cái nào chưa tốt để khắc phục ngay. Tìm các giải pháp tốt nhất để đưa đến hiệu quả cao nhất trong thời gian tới", Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay.

Về công tác Đảng, ông Hồ Thanh Sơn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, tỉnh cần tập trung xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.

Đặc biệt, tỉnh cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên và trách nhiệm của người đứng đầu, đây là yếu tố hết sức quan trọng.

"Chúng tôi tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và công nghiệp chế biến nông sản; quan tâm đầu tư phát triển đối với các địa phương có tiềm năng và lợi thế.

Ông Hồ Thanh Sơn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai.

Trong đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh cũng xác định huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch là 2 địa phương đang có tiềm năng lớn, cần có cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương an toàn, bảo đảm xã hội bình yên và hạnh phúc của người dân", Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai nói.

Còn tại Hà Nam, ông Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Trong 5 năm, với 3 khâu đột phá và 5 nghị quyết chuyên đề, tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 11,2%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị với việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, làm sao cho tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và quốc phòng an ninh được củng cố vững chắc.

Ông Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX cũng xác định nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Đồng thời, tỉnh sẽ huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng tỉnh Hà Nam phát triển nhanh, bền vững gắn với phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

"Cùng với việc xác định các chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp cụ thể để thực hiện, chúng tôi tin tưởng tỉnh Hà Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và phấn đấu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào trước năm 2035", ông Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh đã biến những khó khăn, thách thức đó thành động lực phát triển.

Ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.

Trước đây, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh so với thu nhập bình quân đầu người cả nước vẫn còn thấp, phát triển kinh tế - xã hội so với tiềm năng là chưa cao. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đã vượt qua những khó khăn, thách thức và có những chuyển biến rất tích cực.

Chỉ trong 5 năm, lĩnh vực nông nghiệp có sự vươn lên tương đối khá, một số nhà máy chế biến các sản phẩm về nông nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp lớn cũng tham gia vào chuỗi sản xuất.

"Chúng tôi xác định, tỉnh là nàng tiên đang ngủ quên, cần phải được khai thác trong suốt nhiệm kỳ. Chính vì vậy, chúng tôi đã bám vào nội dung này để phát triển và đạt được những kết quả khả quan", ông Võ Ngọc Thành nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh có 90km đường biên với Campuchia và trong 5 năm qua vẫn giữ được sự ổn định về việc phối hợp, giữ được mối quan hệ hòa bình hữu nghị hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam và Campuchia, tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển.

Kế thừa những kết quả đạt được của nhiệm kỳ vừa qua, ông Thành cho rằng, trong 5 năm tới, cần phải quyết liệt thực hiện tốt những vấn đề trên thì mới có môi trường phát triển để đạt được mục tiêu.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện 3 khâu đột phá và đề ra 7 chương trình trọng tâm. Trong đó bao gồm toàn bộ trên các lĩnh vực về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cũng như công tác đối ngoại.

Ông Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Sơn La.

Trong những năm qua, tỉnh đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu so với nghị quyết đề ra. Trong đó, các lĩnh vực nổi bật nhất có sự tập trung, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị là phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Các hạ tầng khác như du lịch, giáo dục, y tế cũng rất cần được quan tâm và đến giờ này tỉnh cơ bản đạt được những kết quả tích cực.

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Sơn La tập trung sớm chỉ đạo công tác xây dựng văn kiện và thực hiện các khâu về công tác tổ chức cán bộ tương đối sớm và báo cáo được Bộ Chính trị thông qua các văn kiện này.

Trong văn kiện thể hiện rõ mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững. Trong đó xác định 3 khâu đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại và tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực cho Sơn La phát triển trong tương lai.

Cùng góc nhìn này, ông Lê Tiến Châu - Bí Thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, trước đó, Đảng bộ các cấp ở Hậu Giang đã tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về các văn kiện để trình Đại hội sắp tới.

Người dân mong muốn về sự đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa của Trung ương đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ông Lê Tiến Châu - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

“Là một địa phương trong vùng ĐBSCL, là nơi mà các tiêu chí so với trung bình chung của cả nước còn đang thấp. Đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu cũng như hệ thống xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông.

Chúng tôi gửi đến Đại hội sự kỳ vọng, mong muốn trong thời gian tới cả nước cũng như Trung ương tiếp tục quan tâm cho ĐBSCL về Chương trình Nghị quyết để làm sao khắc phục được những tác động, tác hại của biến đổi khí hậu; cũng như có sự quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng để làm sao tạo ra được động lực mới, một nguồn cảm hứng mới để các tỉnh thành ĐBSCL nỗ lực để đóng góp nhiều hơn nữa trong những thành tựu chung của đất nước. Nếu ĐBSCL phát triển thì Hậu Giang cũng phát triển và hưởng lợi”, ông Lê Tiến Châu chia sẻ.

Không có vùng cấm

Bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của Đại hội Đảng XIII, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh cho biết, mong mỏi lớn nhất của nhân dân là Đại hội XIII sẽ tiếp tục tinh thần đoàn kết, đồng sức đồng lòng, lựa chọn được Ban Chấp hành khóa mới thật sự là tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo khóa mới cần khai thác có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia; Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng kỳ vọng công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng sẽ tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực hiện "không ngừng", "không nghỉ", "không chùng xuống" với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", góp phần làm trong sạch bộ máy, giữ vững và củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”, bà Nguyễn Thị Xuân Hương bày tỏ.

Trả lời VTC News, ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đánh giá Đại hội Đảng lần này mở ra một kỷ nguyên mới, tầm nhìn mới trên cơ sở của sự kế thừa và phát triển. Đảng ta có giải pháp tốt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ và công tác cán bộ.

Đảng đã thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng; đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ.

Bên cạnh đó, ông Thăng cho rằng cần tiếp tục chỉnh đốn để xây dựng các cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cùng công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, giải quyết dứt điểm có trọng điểm các vụ việc tiêu cực. Từ đó, Đảng mới được người dân ghi nhận và đặt nhiều niềm tin vào sự lãnh đạo của mình.

Ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. (Ảnh: TC)

“Mặc dù có những “con sâu” trong vườn hoa gây nên không ít nỗi lo và gieo không ít nỗi nghi ngờ trong một bộ phận thiếu niềm tin và lập trường vững vàng, nhưng “lửa lò” những năm qua tích cực cháy làm cho cuộc sống tươi sáng hơn. Vì vậy, muốn dân tin, dân yêu thì Đảng phải không ngừng “tự soi, tự sửa”, phải nói đi đôi với làm, phải làm sao cho dân giàu nước mạnh.

Muốn vậy, Đảng phải sáng suốt lựa chọn ra những cán bộ hội đủ Đức - Tâm - Tài để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn tới. Đó là những vấn đề mà tôi gửi gắm đến Đại hội lần này”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ.

Nhóm phóng viên

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-tinh-thanh-pho-dat-quyet-tam-phat-trien-manh-me-trong-nhiem-ky-moi-ar592178.html