Nhiều tín hiệu tích cực để doanh nghiệp chăn nuôi heo 'ngóng chờ'

Giá heo hơi duy trì ở mức thấp trong thời gian dài là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp ngành chăn nuôi gặp khó khăn trong quý I. Bước sang quý II, việc giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, cùng với giá bán heo cải thiện sẽ là động lực để các doanh nghiệp tăng trưởng trong thời gian tới.

Khởi đầu năm 2023 với bước chạy đà khá chậm

Theo báo cáo ngành chăn nuôi từ VCBS, tính đến thời điểm cuối tháng 3, tổng đàn heo cả nước đạt 24,66 triệu con, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2022, nhưng đã giảm 6% so với đầu năm. Lo ngại trước sự trở lại của dịch tả lợn châu Phi, cùng với tiêu thụ thịt heo giảm trong bối cảnh lạm phát trong quý I đạt mức cao là nguyên nhân khiến nông dân hầu như không tái đàn.

Cùng với đó, việc giá lương thực và chi phí tăng cao kéo dài từ năm 2022 dẫn đến tỷ lệ nguồn cung heo từ các hộ nông dân giảm mạnh, hiện chỉ còn chiếm 38% trong tổng nguồn cung cả nước.

Với việc tiêu thụ thịt heo giảm mạnh 21-51% thì sản lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam trong quý I cũng giảm 37% so với cùng kỳ (đạt 13.000 tấn).

Giá heo hơi trong 3 tháng đầu năm chỉ trung bình hơn 52.700 đồng/kg. Mức giá này đã khiến các doanh nghiệp trong ngành trải qua một kỳ không mấy khả quan.

Xét trên sàn chứng khoán, trong 7 doanh nghiệp thuộc nhóm chăn nuôi và sản xuất thực phẩm liên quan đến heo, chỉ 3 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng. Có 3 doanh nghiệp thua lỗ đến hàng trăm tỷ đồng trong quý I/2023.

Điển hình như tại Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) ghi nhận doanh thu đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Sau thuế, doanh nghiệp lỗ 321 tỷ đồng. Đưa tổng lỗ lũy kế là 312,6 tỷ đồng và bằng 12,9% vốn điều lệ.

Cùng cảnh ngộ là Masan Meatlife (mã: MML) – công ty con của Tập đoàn Masan cũng lỗ ròng 121 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 274 tỷ đồng). Nguyên nhân chính cho kết quả này là khoản doanh thu hoạt động tài chính từ phí ký kết hợp đồng mua hàng của doanh nghiệp giảm tới 96%, chỉ còn gần 16 tỷ đồng.

Tương tự, mảng nông nghiệp của Hòa Phát (mã: HPG) tiếp tục ghi nhận thua lỗ 136,6 tỷ đồng sau thuế (cùng kỳ lỗ 55,7 tỷ đồng), dù có doanh thu gấp 3 lần cùng kỳ, lên tới hơn 4.900 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả trong quý I, các doanh nghiệp cho biết ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm. Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi giảm so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với bối cảnh chung toàn ngành, dù không thua lỗ, nhưng Nông nghiệp BAF (mã: BAF) cũng trải qua một kỳ kinh doanh ảm đạm với khoản lợi nhuận chỉ hơn 3,9 tỷ đồng, giảm 95,5% so với thực hiện cùng kỳ.

"Ngược dòng" ngành là Hoàng Anh Gia Lai (mã: HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức. Trong quý I, doanh nghiệp này lãi sau thuế hơn 291 tỷ đồng, cũng là mức “đậm” nhất nhóm doanh nghiệp kinh doanh thịt heo. Tuy nhiên, khi nhìn vào cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, khoản lãi trên lại đến từ mảng trái cây và dịch vụ hàng hóa – cụ thể là nhờ trồng chuối. Mảng “heo ăn chuối” giảm tới 97% lãi gộp (còn 2 tỷ đồng) dù báo doanh thu gấp 2,9 lần cùng kỳ (đạt 563 tỷ đồng).

Những tín hiệu sáng từ quý II

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Dabaco, Chủ tịch Nguyễn Như So cho rằng, kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh quý II nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, sẽ từng bước phục hồi kể từ quý III.

Trong khi đó, Chủ tịch BAF Trương Sỹ Bá lại tỏ ra lạc quan hơn. Về diễn biến chung của ngành, ông cho rằng, khi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ bị thu hẹp, cơ hội tăng trưởng cho nhóm heo công nghiệp sẽ màu mỡ hơn.

Đồng quan điểm kể trên, Chủ tịch HAG thì cho rằng mảng heo sẽ trở lại lợi nhuận, trong trường hợp giá heo được 55.000 đồng/kg. “Nếu giá heo xuống, HAG sẽ chỉ còn chuối thôi”, chia sẻ của bầu Đức trong cuộc họp ĐHĐCĐ diễn ra ngày 28/4.

 Bầu Đức giới thiệu với nhà đầu tư về dự án nuôi heo (Nguồn: HAGL).

Bầu Đức giới thiệu với nhà đầu tư về dự án nuôi heo (Nguồn: HAGL).

Nhận định thị trường, VCBS cho rằng giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8, khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Như vậy có lẽ cũng đủ để các doanh nghiệp trong nhóm kỳ vọng nhiều vào các kỳ kinh doanh sắp tới. "Giá thịt heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-14% qua các năm." - chuyên gia VCBS nhận định.

Nguồn: ANOVA FEED, GSO, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, VCBS tổng hợp

Cùng với quan điểm giá heo sẽ dần phục hồi trong thời gian tới, chứng khoán VNDirect thông tin giá lợn hơi tháng 5 đã tăng 10,9% so với tháng trước,lên mức 62.000-65.000 đồng/kg, chạm mức cao nhất kể từ đầu năm.

Theo ước tính của VNDirect, chi phí nguyên liệu thô (ngô, đậu tương và lúa mì) chiếm 80-85% chi phí thức ăn chăn nuôi.

Chi phí thức ăn chăn nuôi hiện chiếm 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi.

Có 2 nguyên nhân chính cho việc tăng giá là sản lượng bán tháo heo chạy dịch từ các hộ nông dân giảm so với những tháng đầu năm và việc thị trường lo ngại về việc thiếu nguồn cung khi số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong tháng 3 giảm 50% so với năm 2021.

Mặt khác, chuyên gia kỳ vọng giá nông sản toàn cầu giảm trung bình 7-10% trong 2023 dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi có thể giảm 5% so với năm ngoái.

Do đó, VNDirect kỳ vọng các doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận biên lãi gộp cải thiện 1-1,5 điểm % trong năm 2023.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-de-doanh-nghiep-chan-nuoi-heo-ngong-cho.html