Nhiều tín hiệu khả quan trên HNX

Thông thường, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng như các quỹ đầu tư nước ngoài lớn thường lựa chọn hoặc ưa chuộng các cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE bởi thanh khoản cao, tính minh bạch của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các doanh nghiệp trên sàn HNX cũng đã bắt đầu có sự “chuyển mình” để hấp dẫn nhà đầu tư.

HNX đang dần có những bước chuyển mình để hấp dẫn hơn

HNX đang dần có những bước chuyển mình để hấp dẫn hơn

Tính đến ngày 18/9/2019, đã có 338/357 doanh nghiệp (DN) niêm yết trên HNX công bố đầy đủ báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên đúng hạn (trừ 9 DN thay đổi niên độ kế toán công bố BCTC các quý khác).

Căn cứ vào số liệu tại BCTC của các DN, tổng lợi nhuận sau thuế trên HNX là 10.447,4 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thay đổi chất lượng

Bất cứ nhà đầu tư nào trên thị trường chứng khoán đều hiểu được sự chênh lệch về chất lượng công ty có mã chứng khoán niêm yết trên hai sàn chứng khoán là hoàn toàn khác biệt về chất lượng thông tin, về vốn hóa thị trường, chỉ số vốn điều lệ… cùng các điều kiện về công khai minh bạch.

Tất nhiên, sẽ có quan điểm cho rằng “thuyền to sóng lớn” và thị giá cổ phiếu bao nhiêu thì hưởng quyền lợi thông tin bấy nhiêu. Tuy nhiên, sẽ là không toàn diện nếu không xét đến những sự thay đổi của các DN trong thời gian gần đây.

Trong 338 DN đã nộp BCTC soát xét trên HNX có tới 282 DN có kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 có lãi với tổng giá trị lợi nhuận hơn 11.139 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ có 56 DN báo lỗ với tổng giá trị 693,7 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Xét về nhóm ngành, có tới 9/11 ngành kinh doanh khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, bất động sản là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 384,4 tỷ đồng, tăng 73,8%.

Tiếp đến là ngành công nghiệp với tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 2.043,8 tỷ đồng, tăng 31,9%, với những cái tên tiêu biểu như CTCP Vicostone (mã: VCS), Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC), CTCP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (mã: NTP)…

Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu tăng, chi phí tài chính, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm, do sáp nhập các công ty con. Chỉ có 2 ngành có tổng lợi nhuận giảm là ngành thương mại và dịch vụ lưu trú ăn uống và ngành thông tin, truyền thông và các hoạt động khác.

Không chỉ có sự chuyển biến từ các DN, mà trong công tác quản lý, HNX cũng đã nỗ lực để cải thiện, như: đã xem xét đưa vào danh sách chứng khoán bị cảnh báo đối với 19 DN do chậm hoặc chưa nộp BCTC soát xét bán niên 2019 quá 15 ngày; kiểm soát hoặc đưa vào danh sách chứng khoán không được giao dịch ký quỹ đối với 34 DN chậm hoặc chưa nộp BCTC soát xét bán niên 2019 quá 5 ngày và 39 DN có lợi nhuận sau thuế/ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm, và 11 DN có BCTC soát xét bán niên 2019 không được tổ chức kiểm toán chấp thuận toàn phần.

Mở đường cho sự hấp dẫn

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều gương mặt sáng giá trên sàn HNX đã chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE để tìm kiếm nhiều cơ hội hơn, như: DBC (Dabaco), TV2 (Tư vấn xây dựng điện 2), HVN (Vietnam Airlines)…

Tuy nhiên, sự ra đi của những cổ phiếu đó không có nghĩa là sàn HNX vắng bóng những cổ phiếu hạng sang. Cổ phiếu WCS của CTCP Bến xe Miền Tây là một ví dụ.

Sau gần 9 năm niêm yết, cổ phiếu WCS liên tục tăng giá, đến nay thị giá đang lên tới 165.000 đồng/cp, là một trong số ít mã có thị giá cao trên sàn HNX. Đây cũng là cổ phiếu chưa một lần tăng vốn.

Ngày 10/10 tới, Bến xe Miền Tây sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2018 bằng tiền tỷ lệ 200%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 20.000 đồng.

Trước đó, vào tháng 6/2019, Bến xe Miền Tây đã gây bất ngờ khi tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2018 cho cổ đông bằng tiền mặt cũng với tỷ lệ 200%. Như vậy, tính cả lần này, cổ đông công ty nhận 400% cổ tức cho riêng năm 2018. Tỷ lệ chi trả 400% đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 thông qua.

Hồi trung tuần tháng 10/2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây bất ngờ khi lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về kế hoạch thay đổi mã chứng khoán và chuyển sàn niêm yết. Cụ thể, Sacombank muốn đổi mã chứng khoán STB sang SCM, chuyển niêm yết từ HoSE sang HNX.

Tại thời điểm đó, các chuyên gia đã đưa ý kiến cho rằng việc hủy niêm yết trên HoSE và chuyển sang HNX về mặt lý thuyết được coi là một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo cao nhất của ngân hàng lại khẳng định việc chuyển sàn và thay đổi mã chứng khoán chỉ là làm mới bộ mặt của Sacombank, bản chất của ngân hàng vẫn không thay đổi. Niêm yết trên HNX thay vì HoSE cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhà đầu tư do hai sàn này trong thời gian tới sẽ sáp nhập với nhau, dù niêm yết ở đâu thì nhà đầu tư vẫn có thể thực hiện giao dịch như bình thường.

Sàn HNX còn có một điểm hấp dẫn khác chính là sàn giao dịch tập trung UPCoM. Tuy quy mô vẫn còn nhỏ, chưa xứng với tiềm năng nhưng đây là là một thị trường “tập dượt” cho các DN trước khi niêm yết.

Mới đây, HNX đã ban hành Quy chế Tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (Quy chế UPCoM) tạo điều kiện để các DN tham gia thị trường thuận lợi và dễ dàng hơn, đặc biệt là gắn đấu giá cổ phần hóa các DN nhà nước với đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Theo thoibaokinhdoanh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhieu-tin-hieu-kha-quan-tren-hnx-159112.html