'Nhiều thương hiệu F&B tại TP.HCM muốn mở rộng ra Hà Nội'

Đại diện Savills cho biết có nhiều khách thuê ngành F&B tại TP.HCM muốn mở rộng ra Hà Nội. Đây là cơ hội phục hồi của phân khúc cho thuê bán lẻ tại thủ đô.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cho biết trong quý III, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, các chỉ số gần như không có sự phục hồi. Tổng nguồn cung dậm chân tại chỗ ở 1,6 triệu m2 sàn, với thị phần khu vực nội thành chiếm tới 42%.

Giá thuê trung bình 39 USD/m2/tháng, giảm 1% theo quý và giảm 3% theo năm, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Công suất thuê trung bình giảm còn 92%, cũng xuống thấp nhất 4 năm.

Diện tích cho thuê trong quý III giảm 7.000 m2 và giảm 45.000 m2 nếu tính từ đầu năm. Phân khúc trung tâm mua sắm và khu vực phía Tây tỏ ra kém sôi động.

“Lượng khách mua sắm vẫn duy trì ở mức thấp, còn các nhà bán lẻ nước ngoài đang trì hoãn gia nhập thị trường. Trong khi đó, có nhiều đề nghị chủ yếu từ các khách thuê ngành F&B muốn mở rộng từ TP.HCM ra Hà Nội”, bà Hằng cho biết.

 Phân khúc cho thuê bán lẻ tại thị trường Hà Nội ảm đạm. Ảnh: Việt Hùng.

Phân khúc cho thuê bán lẻ tại thị trường Hà Nội ảm đạm. Ảnh: Việt Hùng.

Trao đổi với Zing về khả năng phục hồi đối với phân khúc bán lẻ, ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận Cho thuê thương mại tại Savills Hà Nội, cho rằng từ nay đến cuối năm, yêu cầu thuê mặt bằng nhà phố và mặt bằng tại các khối đế các tòa nhà văn phòng còn hạn chế.

Tuy nhiên, một điểm sáng trong phân khúc này là các thương hiệu tại TP.HCM, đặc biệt là ngành F&B bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường Hà Nội. “Họ có yêu cầu thuê để mở rộng hệ thống thương hiệu”, ông Bình nói.

Khả năng phục hồi của phân khúc bán lẻ còn thể hiện qua một số điều chỉnh của thị trường. Cụ thể, chủ nhà ở khu vực trung tâm thành phố như phố cổ đã chấp nhận giảm giá thuê cho khách. Các bên cũng bắt đầu có những ràng buộc, điều kiện liên quan đến dịch bệnh trong hợp đồng thuê.

Ngoài ra, đến năm 2022, có thêm 20 dự án cung cấp khoảng 302.000 m2 dự kiến được ra mắt. Nguồn cung liên tục mở rộng ra ngoài trung tâm sẽ làm giảm giá thuê toàn thị trường.

Về việc IMF dự báo GDP Việt Nam tăng 1,6% trong năm 2020 và là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5 tăng trưởng dương, ông Bình cho rằng thông tin trên có tác động tích cực đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp. Cụ thể, các nhà đầu tư FDI sẽ rất yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hay công ty về công nghệ.

Phân khúc thứ hai được hưởng lợi là nhà ở. Khi tăng trưởng kinh tế dương, thu nhập của người dân không bị ảnh hưởng quá nhiều và các giao dịch bất động sản vẫn sẽ diễn ra. Đối với thị trường cho thuê, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam thì nhu cầu về văn phòng sẽ rất lớn.

Trong khi đó, có cái nhìn tổng quan hơn, Hội môi giới Bất động sản cho rằng khi kinh tế Việt Nam có tăng trưởng dương trong năm 2020, lực cầu sẽ được tiếp sức để thị trường bất động sản nóng ấm, phục hồi trở lại.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-thuong-hieu-f-b-tai-tphcm-muon-mo-rong-ra-ha-noi-post1142972.html