Nhiều thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam

Ngày 7/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền và thông tin đối ngoại do Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ tổ chức.

Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền và thông tin đối ngoại diễn ra sáng 7/8/2019

Hội nghị cung cấp thông tin về nhân quyền và thông tin đối ngoại diễn ra sáng 7/8/2019

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, trong tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy tự do tôn giáo tại Washington, trong đó đề xuất lập quỹ hỗ trợ nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo, hình thành liên minh quốc tế về tự do tôn giáo và phát huy vai trò của xã hội dân sự, thúc đẩy mô hình bàn tròn đa tôn giáo. Một số đối tượng người Việt đã lợi dụng việc tham dự Hội nghị để xuyên tạc tình hình nhân quyền trong nước.

Trên diễn đàn quốc tế, một số nước phương Tây chỉ trích, nêu quan về vấn đề dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Mới đây, tại khóa họp 41 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, EU kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Anh nêu quan ngại về tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Việt Nam.

Trong tháng 7, tại London, Anh và Canada đã tổ chức Hội thảo quốc tế về tự do báo chí. Trong phiên về Đông Nam Á, Nghị sỹ Graham xếp hạng Việt Nam thứ 176/180 về tự do báo chí.

Ngoài vấn đề về nhân quyền, Hội nghị cũng chia sẻ về những đánh giá tình hình, kết quả hoạt động phòng, chống mua bán người từ đầu năm 2019 đến nay. Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết: Toàn quốc phát hiện xảy ra 89 vụ mua bán người, liên quan tới 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10,1 % số vụ, tăng 12,7% số đối tượng; giảm 28,4% số nạn nhân.

Hiện, 3 thủ đoạn chính của các tội phạm mua bán người là: Thứ nhất: tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ… Thứ hai: các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh làm cán bộ Công an, bộ đội biên phòng gọi điện tán tỉnh, làm quen nạn nhân, giả vờ hứa hẹn yêu đương, đám cưới, rủ đi chơi sau đó bán họ ra nước ngoài. Thứ ba: tình trạng mua bán người, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người, đẻ thuê… diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 5 đối tượng. Trong thời gian hoạt động, đường dây này bị lực lượng chức năng bắt giữ, các đối tượng thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.

Thông tin về các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (+84981848484), kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài và nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, tổ chức một khóa đào tạo, tập huấn về công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều hợp tác quốc tế với các nước Anh, Thái Lan, Trung Quốc, Mianma về phòng, chống mua bán người.

Tại Hội nghị, các cơ quan báo chí cũng được thông tin về các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Định hướng tuyên truyền về trách nhiệm, cơ hội của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Kết luận tại Hội nghị, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền con người, nhất là bảo đảm quyền tư do tôn giáo, tự do ngôn luận. Đồng thời, có những tuyến bài, loạt bài đấu tranh phòng chống nạn buôn bán người cũng như hỗ trợ các nạn nhân.... Đặc biệt, báo chí phải phản bác kịp thời các thông tin, luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền Việt Nam của các thế lực thù địch.

Yên Ba

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhieu-thong-tin-sai-lech-ve-tinh-hinh-nhan-quyen-viet-nam-84491.html