Nhiều thay đổi về quy định thu phí không dừng

Bộ GTVT đề xuất chế tài đối với trạm BOT chưa lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng về thu phí tự động không dừng (thay thế Quyết định 07/2017).

Trong đó, đáng chú ý là việc ban soạn thảo đưa ra quy định các trạm thu phí đang hoạt động nhưng chưa lắp đặt thu phí tự động phải thực hiện thu phí chậm nhất là một năm, kể từ thời điểm lựa chọn được đơn vị cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, Quyết định 07 lại đưa ra lộ trình (trước năm 2019 phải xong việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng nhưng Bộ GTVT xin gia hạn hết năm 2020).

Trong năm 2020, các trạm BOT phải có làn thu phí không dừng. Ảnh: V.LONG

Trong năm 2020, các trạm BOT phải có làn thu phí không dừng. Ảnh: V.LONG

Với quy định trên, sẽ không có thời hạn lắp đặt hệ thống thu phí tự động cho tất cả trạm BOT. Thay vào đó, tiến độ thu phí tự động tại từng dự án sẽ phụ thuộc vào thời gian nhà đầu tư ký được hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Bộ GTVT cũng đề xuất đối với trạm thu phí mới, chỉ được thu phí khi đã triển khai thu phí tự động. Cơ quan nhà nước có quyền dừng thu phí với trạm thu phí nào không áp dụng thu phí tự động.

Dự thảo trên cũng cho phép nhà đầu tư dự án đường bộ và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí. Thay vì nhà đầu tư dự án bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý trạm thu phí cho đơn vị thu phí tự động quản lý như Quyết định 07/2017.

Đối với chủ phương tiện, có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền vào ví điện tử, hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Dự thảo cũng bổ sung quy định nộp phí điện tử theo tháng, quỹ.

Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí tự động mà tài khoản không có tiền để thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động ghi nợ trên tài khoản và thông báo cho chủ phương tiện.

“Chủ phương tiện có trách nhiệm trả tiền phí nợ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Hết thời hạn trên, nếu chủ xe không trả nợ, đơn vị thu phí có quyền khởi kiện đòi nợ…” - dự thảo Bộ GTVT nêu rõ.

Liên quan đến thu phí không dừng, trước đó Bộ GTVT cho biết giai đoạn 2 của dự án gặp khó khăn do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đứng đầu liên danh nhà thầu cung cấp dịch vụ, nhưng không thành lập được doanh nghiệp dự án do vướng quy định.

Ngày 17-3, Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép Viettel tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án. Sau đó, các bên đã đàm phán và thống nhất Viettel nắm giữ tỉ lệ góp vốn 86%.

Hiện Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các cơ quan xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, bảo đảm đưa vào hoạt động đồng bộ trong năm 2020.

Hai giai đoạn cho dự án thu phí không dừng

Hệ thống thu phí tự động không được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1): Tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Dự án này do Công ty VETC triển khai thực hiện. Đến nay đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí.

Còn bốn trạm trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý chưa thực hiện do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm (do Hiệp định vay vốn hết hạn và việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tại các dự án do VEC quản lý).

Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 505/2018. Dự án gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi và đã lựa chọn liên danh nhà đầu tư do Viettel đứng đầu.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/nhieu-thay-doi-ve-quy-dinh-thu-phi-khong-dung-901481.html