Nhiều thách thức từ quá trình đô thị hóa

Sau gần 10 năm chuyển “hộ khẩu” từ huyện Long Thành về TP.Biên Hòa, các xã Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng, nay là các phường Tam Phước, Phước Tân, An Hòa và xã Long Hưng đã có những bước phát triển về nhiều mặt. Ngoài xã Long Hưng được quy hoạch để phát triển thành khu đô thị, các phường còn lại đều đã có những bước “bứt phá” để hình thành nên bộ mặt đô thị mới.

UBND phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) cắm biển cảnh báo cấm phân lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp. Ảnh: P.Tùng

UBND phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) cắm biển cảnh báo cấm phân lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp. Ảnh: P.Tùng

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các phường Tam Phước, Phước Tân và An Hòa cũng phải đối mặt với những thách thức đến từ quá trình đô thị hóa.

* Thành hình phố thị

Ngày 1-4-2010, thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-CP (ban hành ngày 5-2-2010) của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Thành để mở rộng TP.Biên Hòa, 4 xã gồm: An Hòa, Long Hưng, Phước Tân, Tam Phước thuộc huyện Long Thành được sáp nhập vào TP.Biên Hòa.

Ngày 10-5-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 694/NQ-UBTVQH14 về việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị cấp xã thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong đó, 3 xã Tam Phước, Phước Tân và An Hòa thuộc TP.Biên Hòa được nâng cấp từ xã thành phường.

Trải qua gần 1 thập kỷ trở thành một phần địa giới hành chính của thành phố tỉnh lỵ của Đồng Nai, 3 địa phương Tam Phước, Phước Tân và An Hòa đã có sự “thay da, đổi thịt” để hình thành nên bộ mặt đô thị mới. Minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển này chính là việc cả 3 địa phương trên đã được nâng cấp từ xã lên phường vào đầu tháng 7 vừa qua.

Gần 10 năm trước, sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của phường Tam Phước. Tuy nhiên, hiện nay, với 1 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp thu hút hơn 400 doanh nghiệp lớn nhỏ đóng chân trên địa bàn, công nghiệp, dịch vụ đang đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế của phường.

Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước cho hay, do vị trí của phường gần các khu, cụm công nghiệp nên việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ diễn ra nhanh. “Hiện tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của phường chiếm gần 97% cơ cấu dân sô” - ông Võ Cao Cường cho biết.

Tương tự, tại các phường Phước Tân, An Hòa, cơ cấu kinh tế của các địa phương này trong 10 năm sau khi được sáp nhập về TP.Biên Hòa cũng thay đổi nhanh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ giảm dần tỉ trọng nông nghiệp.

Chủ tịch UBND phường An Hòa Phan Thanh Sắc cho biết, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất được quy hoạch để thực hiện các dự án nên quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng bị thu hẹp. Chính vì vậy, cơ cấu kinh tế cũng có sự dịch chuyển theo hướng ngày càng giảm tỉ trọng sản xuất nông nghiệp.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông của cả 3 địa phương nói trên cũng ngày càng được hoàn thiện đồng bộ. Là các phường nằm dọc tuyến quốc lộ 51, hiện nay, hệ thống giao thông kết nối nội bộ với tuyến quốc lộ này được xây dựng khá hoàn thiện. Điều này tạo thuận lợi cho các phường này trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, từ khi được sáp nhập về TP.Biên Hòa, hệ thống điện, đường, trường học của các phường Tam Phước, Phước Tân và An Hòa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

* Đối mặt với áp lực gia tăng dân số

Việc sáp nhập vào TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh, đã mở ra những cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội cho các phường Tam Phước, Phước Tân và An Hòa. Tuy nhiên, đi cùng với sự dịch chuyển về cơ cấu kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, các phường này cũng đối với mặt với những thách thức mới nảy sinh. Một trong những vấn đề đó chính là tốc độ gia tăng dân số.

Trong 3 phường nói trên, Tam Phước là phường có diện tích lớn nhất và là phường tập trung đông dân cư nhất hiện nay. Với hơn 65 ngàn người, Tam Phước hiện là một trong những phường, xã có dân số đông nhất trên địa bàn TP.Biên Hòa. “Phường hiện nằm trong nhóm 4 đơn vị hành chính cấp xã, phường có dân số lớn nhất của thành phố” - ông Võ Cao Cường cho hay.

Đồ họa thể hiện diện tích, quy mô dân số hiện nay của các phường: An Hòa, Tam Phước, Phước Tân (TP.Biên Hòa).

Theo ông Võ Cao Cường, phường Tam Phước nằm gần các khu, cụm công nghiệp nên thu hút một lượng lớn công nhân lao động đến sinh sống, làm việc. Xu hướng tăng nhanh dân số cơ học hiện vẫn đang tiếp diễn. Dân số tăng nhanh cũng khiến phường chịu nhiều áp lực về các vấn đề an sinh xã hội như: nhà ở, y tế, giáo dục…

Phường An Hòa dù có cơ cấu dân số ổn định hơn và có dân số “khiêm tốn” hơn 2 phường còn lại, tuy nhiên theo ông Phan Thanh Sắc, Chủ tịch UBND phường An Hòa, sau 10 năm sáp nhập vào TP.Biên Hòa dân số của phường đã ghi nhận sự gia tăng gấp đôi so với trước. “Hiện dân số của phường khoảng 22 ngàn người, so với 10 năm trước cũng đã tăng gấp đôi. Điều này gây ra những áp lực về hạ tầng, an sinh xã hội để đáp ứng nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của người dân” - ông Phan Thanh Sắc cho hay.

Tương tự, phường Phước Tân hiện cũng đã có dân số đạt mức hơn 62 ngàn người, tăng khoảng 2 lần so với thời điểm gần 10 năm trước. “Quá trình đô thị hóa, các công ty, nhà máy về đóng chân trên địa bàn phường ngày càng nhiều kéo theo đó, lượng công nhân về sinh sống làm việc cũng tăng nên cơ cấu dân số cũng tăng nhanh” - ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch UBND phường Phước Tân chia sẻ.

* “Điểm nóng” đất đai

Dân số tăng nhanh nên nhu cầu nhà ở tại 3 phường được sáp nhập từ huyện Long Thành về TP.Biên Hòa tăng cao, trong đó tập trung nhiều ở các phường Tam Phước và Phước Tân. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc quản lý đất đai.

Đầu tháng 7 vừa qua, 3 xã Tam Phước, Phước Tân và An Hòa được nâng cấp lên thành các phường. Giá đất trên địa bàn các phường vì thế cũng tăng nhanh. Theo ghi nhận, giá đất tại 3 địa phương sau khi được nâng cấp lên phường đều tăng gấp 4-5 lần so với trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép tại các phường này gia tăng.

Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước thừa nhận, quá trình đô thị hóa nhanh, hạ tầng giao thông phát triển và dân số gia tăng khiến nhu cầu nhà ở của người dân trên địa bàn gia tăng. Do đó, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép đất nông nghiệp thời gian qua diễn biến phức tạp và trở thành một trong những vấn đề “nóng” trên địa bàn phường. “Chúng tôi đã tăng cường xử lý, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép nhưng tình hình vẫn diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân một phần đến từ nhu cầu thực tế do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh” - ông Võ Cao Cường cho biết.

Tương tự, công tác quản lý đất đai, xây dựng đang là vấn đề khó khăn đối với phường Phước Tân. Chủ tịch UBND phường Phước Tân Nguyễn Tôn Trọng cho hay, trong quá trình đô thị hóa, lượng công nhân về phường sinh sống, làm việc đông nên nhu cầu nhà ở vì vậy cũng gia tăng. Lợi dụng thực tế này, nhiều chủ đất đã thực hiện phân lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp để rao bán.

Không phải đối mặt với vấn đề “nóng” về đất đai, tuy nhiên phường An Hòa cũng phải đối mặt với áp lực về giao thông khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Thực tế, tình trạng xe ben lưu thông quá nhiều trên tuyến đường Ngô Quyền (hương lộ 2) suốt nhiều năm qua đã trở thành vấn đề nhức nhối và gây nhiều bức xúc trong người dân.

Thực tế, sau khi sáp nhập từ huyện Long Thành vào TP.Biên Hòa, các phường Tam Phước, Phước Tân và An Hòa có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đi cùng với quá trình đô thị hóa, các phường này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là việc quản lý đất đai và xây dựng. Tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp phá vỡ quy hoạch và làm cho bộ mặt đô thị đang dần được hình thành tại các phường này có nguy cơ trở nên “méo mó”.

Phạm Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201912/gan-10-nam-thuc-hien-sap-nhap-cac-xa-cua-huyen-long-thanh-vao-tpbien-hoa-nhieu-thach-thuc-tu-qua-trinh-do-thi-hoa-2979420/