Nhiều thách thức trong việc phá vỡ độc quyền Big Tech

Chế tài lỏng lẻo tạo điều kiện cho Big Tech thâu tóm, loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, trở thành các thế lực thống trị trong lĩnh vực kinh tế.

Big Tech cần được chia thành các phần nhỏ hơn, nhưng chắc chắn cuộc chiến pháp lý kéo dài tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi các hướng đề xuất giải quyết vấn đề còn gây nhiều tranh cãi và nghi ngờ.

Trong nhiều năm, chính phủ Mỹ đứng ngoài sự tăng trưởng mạnh mẽ của những công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, Apple và Amazon (gọi chung là nhóm “Big Tech”). Chế tài lỏng lẻo đó tạo điều kiện cho những công ty này thâu tóm và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trước khi trở thành các thế lực thống trị trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội.

Sau một loạt bê bối của Big Tech mà nghiêm trọng nhất là vấn đề về dữ liệu người dùng và quyền riêng tư, các nhà lập pháp ở Mỹ, EU hay New Zealand ngày càng quan tâm đến giải pháp sử dụng luật chống độc quyền để phá vỡ, chia nhỏ các công ty này, khôi phục sự cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và người lao động. Còn quá sớm để khẳng định những động thái này sẽ dẫn đến những quy định cụ thể nào, nhưng đối với một số chính trị gia tại Mỹ, tính khả thi của những đề xuất thúc đẩy chống độc quyền đang dần trở nên rõ ràng hơn.

Khi Chris Hughes – một trong những nhà đồng sáng lập Facebook – công khai kêu gọi phá vỡ chính mạng xã hội mình góp phần tạo ra, ngay lập tức kéo theo phản ứng dây chuyền trong giới chức chính trị Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử của mình, các ứng cử viên cho cuộc chạy đua đến ghế Tổng thống năm 2020 đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc phá vỡ Big Tech – dấu hiệu cho thấy gió đã đảo chiều trong mối quan hệ giữa Thung lũng Silicon và Washington D.C. Trong nhiều năm, các quan chức Dân chủ coi các giám đốc điều hành và các ông chủ tại Thung lũng Silicon là những đồng minh, những nhà tài trợ trung thành.

Chính sách của đảng Dân chủ luôn tôn vinh sự phát triển và mở rộng nhanh chóng của ngành công nghệ. Tuy nhiên, mối quan hệ này trở nên tồi tệ sau một loạt các vụ bê bối công nghệ liên quan đến sự can thiệp bầu cử của nước ngoài, truyền bá thông tin sai lệch và ngôn từ kích động thù địch trên phương tiện truyền thông xã hội, và đặc biệt là quyền riêng tư dữ liệu. Nhiều tin tức tiếp tục rò rỉ trong thời gian gần đây cho thấy Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ có thể tổ chức các cuộc điều tra nghiêm ngặt về những hành vi phi cạnh tranh của các công ty trong lĩnh vực này.

Nhìn bề ngoài, Big Tech có những đặc điểm làm gia tăng mối lo ngại về quyền lực khó có thể thách thức của họ. Tất cả các công ty này đều chiếm thị phần áp đảo, chi phối các lĩnh vực từ công cụ tìm kiếm thông tin đến phương tiện truyền thông xã hội. Họ được bảo vệ bởi các thông lệ và điều kiện do chính họ đặt ra, có thể dễ dàng làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ, kìm hãm sự đổi mới. Mặc dù Big Tech cung cấp nhiều sản phẩm cốt lõi cho khách hàng miễn phí, hoặc mở rộng đáng kể khả năng tìm kiếm, so sánh của người dùng trước khi mua các sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới, người tiêu dùng phải trả giá cho các dịch vụ hấp dẫn này bằng cách cung cấp các thông tin có giá trị về cuộc sống cá nhân cũng như thói quen mua sắm, tìm kiếm và trải nghiệm.

Dự báo doanh thu quảng cáo số của các công ty trên thế giới. Nguồn: Emarketer.

Các công ty công nghệ lần lượt chuyển đổi dữ liệu đó thành lợi nhuận lớn bằng cách bán nó cho các nhà quảng cáo. Google và Facebook kiểm soát thị phần khổng lồ trong thị trường quảng cáo kỹ thuật số, cũng có nghĩa là họ có thể tính phí nhiều hơn mức phí cạnh tranh. Các nhà kinh tế cũng cảnh báo về sự lạm dụng khả năng của các nền tảng Big Tech trong việc kiểm soát các lựa chọn và cách mà người tiêu dùng nhìn thấy, để hạn chế các lựa chọn và phương pháp tiếp cận của họ.

Chỉ khi các công ty công nghệ đã thu hút được hàng tỷ người dùng và tính cạnh tranh gần như đã tan biến trong thị trường, các cơ quản lý Mỹ mới xem xét đến mối quan tâm chống độc quyền và tính toán việc tiến hành các cuộc điều tra trên diện rộng. Quộc hội Mỹ đã để các công ty công nghệ tự vận hành và tự điều chỉnh trong nhiều năm. Việc mua lại WhatsApp và Instagram của Facebook được chấp thuận mà không gặp trở ngại nào; Amazon đã nghiền nát thành công các nhà bán lẻ trực tuyến khác bằng chính sách hạ giá tạm thời; Google bắt đầu quảng bá kết quả tìm kiếm của riêng mình.

Với luật chống độc quyền hiện hành của Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu vào đánh giá dựa trên ảnh hưởng của các công ty có quy mô lớn đến giá cả cho người tiêu dùng, chiến lược phá vỡ Big Tech khó có tiềm năng thành công. Nếu chính phủ thua kiện một trong những công ty công nghệ lớn, điều đó có thể tạo tiền lệ xấu cho việc thực thi chống độc quyền trong tương lai.

Chính phủ Mỹ cần thông qua những đạo luật mới để phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ, toàn diện Big Tech và hoạt động của các nền tảng kỹ thuật số. Đây là một thách thức chính trị không dễ vượt qua vì những chính sách mới sẽ phải đối mặt với sự vận động hành lang mạnh mẽ từ những người khổng lồ công nghệ đã tích lũy quá nhiều quyền lực. Về bản chất, sự trỗi dậy của Big Tech là hậu quả, chứ không phải nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tiềm ẩn và rất khó giải quyết chỉ bằng cách loại bỏ hoặc hạn chế hoạt động của những công ty này.

Châu Trần-Vi

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/biz-tech/nhieu-thach-thuc-trong-viec-pha-vo-doc-quyen-big-tech-3329271/