Nhiều tàu cá diện Nghị định 67 ở Bình Thuận nằm bờ do khó khăn

Khi bắt đầu đến thời hạn trả vốn vay ngân hàng, không ít tàu cá trong Nghị định 67 hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao, tiềm ẩn nợ xấu.

Có hiệu lực từ tháng 8/2014, Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nghề cá. Tại tỉnh Bình Thuận, qua 5 năm triển khai, Nghị định đã góp phần phát triển ngành khai thác thủy sản với nhiều tàu mới công suất lớn được hạ thủy vươn khơi. Tuy nhiên, khi bắt đầu đến thời hạn trả nợ vốn vay ngân hàng thì không ít tàu cá nằm trong diện Nghị định 67 hoạt động cầm chừng, hiệu quả không cao và tiềm ẩn nợ xấu.

Nhiều tàu cá theo Nghị định 67 nằm bờ, hoạt động không hiệu quả. (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)

Nhiều tàu cá theo Nghị định 67 nằm bờ, hoạt động không hiệu quả. (Ảnh minh họa, nguồn: TTXVN)

Là một trong 11 chủ tàu tham gia đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ông Hồ Hữu Hạnh hy vọng sẽ ăn nên làm ra từ con tàu mới, hiện đại. Sau một thời gian triển khai, đến giữa năm 2018, con tàu mành chụp trên 800 mã lực trị giá hơn 14 tỉ đồng đã được hạ thủy trong niềm hy vọng của cả gia đình. Tuy nhiên, sau vài chuyến ra khơi, dù đã được đơn vị đóng tàu cử người theo hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt mành chụp 4 tăng gông – một nghề hoàn toàn mới ở Phan Thiết, nhưng tàu vẫn hoạt động không có lãi. Sau mỗi chuyến ra khơi, lợi nhuận chỉ đủ để ông Hạnh chia bạn thuyền, trả tiền xăng dầu và các chi phí khác, nên việc trích dư để gom trả tiền vay đóng tàu cho ngân hàng hầu như không có.

Ông Hồ Hữu Hạnh, trú tại khu phố 3, phường Phú Hài nói: "Mấy năm trước, khi người dân làm nghề này thì rất hiệu quả, nhưng từ khi tôi đóng theo Nghị định 67 xong thì thời tiết không ổn, bấp bênh, nay gió, mai bão. Đôi lúc có tiền trả tiền dầu, có lúc không đủ".

Đánh bắt hiệu quả kém, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải nằm bờ đang là tình trạng chung của không ít tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 tại Bình Thuận. Từ khi triển khai Nghị định này, Bình Thuận có 114 tàu cá được đóng mới, trong đó có 18 chiếc được đóng bằng vỏ thép. Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, qua kiểm tra rà soát, toàn tỉnh có 33 tàu đang hoạt động hòa vốn, 35 tàu bị thua lỗ và chỉ có 40 tàu được đánh giá là hoạt động có lãi.

Theo ngư dân, nguyên nhân chính là do ngư trường đang sụt giảm mạnh, trong khi thời tiết ngày càng cực đoan, mưa bão thất thường, khiến các chuyến ra khơi kém hiệu quả. Bên cạnh các yếu tố trên thì do một số thuyền trưởng tàu cá không quen kỹ thuật khai thác tại ngư trường mới nên hiệu quả chuyến đi biển chưa cao, không thu hút lao động tham gia.

Ông Hồ Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết cho biết: "Trong quá trình hoạt động, bà con đánh bắt có phần khó khăn, ngư trường giảm sút, hiệu quả hoạt động tương đối thấp. Đến kỳ trả nợ cho ngân hàng thì người dân gặp khó khăn do thu nhập giảm".

Việc các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 hoạt động chưa hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trả nợ vốn vay ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Bình Thuận, toàn tỉnh có 28 chủ tàu không trả được nợ đến hạn phân kỳ gốc, lãi và đã được đề nghị cơ cấu nợ, với tổng dư nợ hơn 22 tỉ đồng. Có 5 khoản vay chuyển qua nợ xấu với tổng dư nợ hơn 17,6 tỉ đồng. Đối với các tàu cá đang hoạt động hiệu quả thấp nhưng có phương án khắc phục thì phía ngân hàng và chủ tàu sẽ thỏa thuận cơ cấu nợ đến hạn hoặc chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định số 17 ban hành năm 2018 của Chính phủ. Còn những chủ tàu không hợp tác, ngân hàng sẽ khởi kiện để xử lý nợ vay theo quy định./.

CTV Văn Thuận/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-tau-ca-dien-nghi-dinh-67-o-binh-thuan-nam-bo-do-kho-khan-960985.vov