Nhiều tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVII, từ ngày 1-11-2017 đến 14-11-2017, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 52 cuộc cho đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với cử tri tại 31 đơn vị bầu cử thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố, với 7.547 cử tri tham dự, có 341 ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc.

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Hoằng Hóa.

Trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra, Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn chậm tiến độ vận hành thương mại kéo theo các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, thu ngân sách nhà nước không đạt được như mục tiêu đề ra, song cử tri và nhân dân đánh giá cao Tỉnh ủy, HĐND, UBND kịp thời ban hành các chính sách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, đồng bộ, do đó tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh cơ bản ổn định và có bước phát triển, cơ bản hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, nhiều chỉ tiêu có mức tăng trưởng khá, cao; nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh được tổ chức thành công, thu hút sự quan tâm chú ý của xã hội, góp phần nâng tầm vị thế của tỉnh.

Cử tri và nhân dân đánh giá cao việc ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất và đời sống cho nhân dân sau lũ lụt, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên đã kịp thời hỗ trợ thăm hỏi, động viên các gia đình, cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân ghi nhận sự nỗ lực của HĐND, UBND trong thời gian qua đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVII.

Tuy vậy, qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, cử tri và nhân dân trong tỉnh tiếp tục kiến nghị một số vấn đề, trong đó có những việc mới phát sinh, nhưng cũng có những việc cử tri và nhân dân kiến nghị nhiều lần nhưng chậm được khắc phục.

Nhiều cử tri đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá tổng thể thiệt hại sau đợt mưa lũ.

Về sản xuất nông nghiệp, nhiều cử tri đề nghị UBND tỉnh cần đánh giá tổng thể thiệt hại sau đợt mưa lũ vừa qua làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, việc xả lũ của các hồ thủy điện, ảnh hưởng do khai thác cát sỏi trên các sông đến hệ thống đê. Đề nghị UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện các ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến, bảo quản, và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cử tri và nhân dân các huyện Như Thanh, Thọ Xuân đề nghị UBND tỉnh xem xét cho địa phương thanh lý một số diện tích cao su năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng và hết chu kỳ khai thác để chuyển dần sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn.

Về sản xuất công nghiệp, nhiều cử tri và nhân dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các giải pháp thúc đẩy gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp trong tỉnh, từng bước đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, tập trung xây dựng các thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh; phối hợp sớm đưa Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất.

Nhiều cử tri mong muốn sớm đưa Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất.

Cử tri và nhân dân các huyện Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành điện lực Thanh Hóa quan tâm đầu tư nâng cấp chất lượng hệ thống lưới điện áp nông thôn, trang bị lắp đặt thêm các trạm biến áp ở nơi nguồn điện yếu. Có kế hoạch cấp điện lưới quốc gia cho nhân dân ở các bản chưa có điện.

Về đầu tư xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi: Cử tri và nhân dân TP Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn, Thị xã Bỉm Sơn kiến nghị đợt mưa lũ vừa qua gây ngập lụt cục bộ khá nghiêm trọng ở một số khu vực đô thị đông dân cư, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, do quy hoạch chắp vá, do hệ thống tiêu thoát nước đô thị kém, các dự án thi công kéo dài làm ách tắc dòng chảy. Ở khu vực miền núi trong tỉnh, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới do mưa lũ đã bị sạt lở, xói trôi mặt đường, lề đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. hệ thống đê điều, hồ chứa, đập dâng, kênh mương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cử tri và nhân dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng hệ thống tiêu nước chống ngập úng cục bộ ở các thành phố, thị xã; gia cố, tu sửa các tuyến đê xung yếu, sửa chữa các tuyến đường giao thông, các công trình thủy lợi hư hỏng. Tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường liên huyện, liên xã, nhất là trên địa bàn các địa phương được tỉnh cấp phép khai thác các mỏ đất, đá, vật liệu xây dựng.

Tăng cường xử lý xe quá khổ, quá tải là một trong những nội dung được nhiều cử tri kiến nghị.

Về thương mại, dịch vụ: Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường xử lý các vi phạm và tuyên truyền, phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường quản lý bán hàng đa cấp, thương mại điện tử; xem xét ban hành quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ và xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020.

Về tài nguyên - môi trường: Cử tri và nhân dân một số địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các sông đã diễn ra nhiều năm như sông nhà Lê, sông Trà Giang, sông Thống Nhất, sông Đông Giang, sông Lèn, sông Hoàng, sông Mã... Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, xây dựng các khu xử lý rác thải theo cụm dân cư, kiểm soát nguồn nước thải, nhất là nước thải, chất thải của các nhà máy, các khu, cụm công nghiệp.

Cử tri đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay việc công khai, minh bạch quy hoạch đất đai chưa được cập nhật thường xuyên, tình trạng quy hoạch không nhất quán, các doanh nghiệp khó tiếp cận thông tin trong tìm mặt bằng để sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là nội dung cử tri và cộng đồng doanh nghiệp kiến trị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp khắc phục, điều chỉnh đơn giá thuê đất ở các khu công nghiệp cho phù hợp; có giải pháp mạnh để thu hồi đất đối với các dự án đã quá thời hạn nhưng không sử dụng, gây lãng phí tài nguyên đất đai. Cử tri và nhân dân huyện Như Xuân, Thị xã Bỉm Sơn đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai giữa nhân dân với các nông - lâm trường.

Về văn hóa - xã hội: Cử tri có nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phân loại ưu tiên, có lộ trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, phục dựng các di sản phi vật thể có giá trị. Đề nghị đẩy nhanh tiến độ đặt tên các đường phố và đánh số nhà cho các tuyến phố trong các đô thị trên địa bàn tỉnh nhằm khắc phục tình trạng nhà không số, phố không được đặt tên trên địa bàn tỉnh.

Về giáo dục: Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục, Sở nội vụ và UBND các huyện trong năm 2018 giải quyết dứt điểm việc thừa, thiếu giáo viên, nhất là khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non và tiểu học hiện nay. Thực hiện việc sáp nhập, giải thể các trường học bảo đảm dân chủ, đồng thuận. Xử lý nghiêm tình trạng lạm thu tại các trường học.

Về y tế: Cử tri và nhân dân đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ các nguyên nhân bội chi BHYT. Theo thống kê Thanh Hóa hiện là một trong những tỉnh có bội chi quỹ BHYT cao trong cả nước; bên cạnh đó nhiều vướng mắc trong thanh toán, quản lý, sử dụng BHYT chậm được khắc phục, gây thiệt thòi cho người bệnh. . Cử tri cũng đề nghị UBND tỉnh có lộ trình mời gọi, xã hội hóa đầu tư, xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh.

Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa.

Về chính sách an sinh xã hội: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 463 hộ có từ 2 đến 7 nạn nhân chất độc da cam mất khả năng tự phục vụ, hoàn cảnh rất khó khăn, Cử tri kiến nghị UBND tỉnh sớm thực hiện việc giải quyết chế độ chính sách đối với gia đình các nạn nhân chất độc da cam theo Quyết định số 16/2004/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp đối với các hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Về cơ chế, chính sách: Cử tri và nhân dân các huyện Mường Lát, Quan Hóa phản ánh hiện nay các dự án thủy điện Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân chưa hỗ trợ sinh kế cho người dân khi thực hiện dự án. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp và có chính sách cho nhân dân các khu tái định cư và vùng bị ảnh hưởng của các dự án trên như đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất. Tỉnh sớm có chính sách triển khai bố trí sắp xếp dân cư vùng ngập hồ sông Mực.

Cử tri đề nghị HĐND, UBND tỉnh sớm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về đổi mới sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng phụ cấp kiêm nhiệm của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tăng phụ cấp cho cán bộ bán chuyên trách cấp xã và cán bộ thôn bản, tổ dân phố.

Hồng Hạnh - Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/vn/chinh-tri/n179038/nhieu-tam-tu,-nguyen-vong,-kien-nghi-cua-cu-tri-gui-den-ky-hop-thu-tu,--hdnd-tinh-khoa-xvii