Nhiều tài liệu tuyệt mật, tối mật của Nhà nước đã bị lộ ra ngoài

Bộ Công an cho biết từ năm 2001 đến nay đã phát hiện nhiều vụ lộ, mất bí mật Nhà nước, trong đó nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.

Thông tin trên được đại diện Bộ Công an công bố tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội diễn ra ngày 2/8 tại Hà Nội. Phiên họp này có nội dung chính là thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Video: Hơn 44% các trang wesite Nhà nước ở Việt Nam bị tin tặc tấn công

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: "Dù Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước số 30/2000 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua có hiệu lực thi hành từ 1/4/2001 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật Nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện nhiều vụ lộ, mất bí mật Nhà nước, trong đó nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật. Hình thức lộ, mất chủ yếu qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế...

 Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ được trình lên kì họp Quốc hội sắp tới.

Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ được trình lên kì họp Quốc hội sắp tới.

Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước còn chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động...

Bên cạnh đó, việc bảo vệ bí mật Nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, nên phải xây dựng luật để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Việc ban hành Luật này sẽ bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật Cơ yếu đã ban hành.

Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng, dự án luật đã được chuẩn bị công phu, tổng kết 15 năm thực hiện Pháp lệnh cũng đã nêu hạn chế, nguyên nhân bài học kinh nghiệm một cách rất rõ ràng.

Đồng thời, bà Thúy cũng đã góp ý thêm các vấn đề cần chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo luật với chất lượng cao hơn.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, đây là một dự thảo luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, ông Tỵ cho rằng cần làm rõ hơn khái niệm bí mật Nhà nước, vì đây là nội dung cốt lõi của luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, với chức năng giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, việc quy định thẩm quyền thẩm định danh mục bí mật Nhà nước trước khi trình Chính phủ của Bộ Công an là cần thiết và đương nhiên phải làm.

Tuy nhiên, ông Tỵ lưu ý cần nghiên cứu phạm vi quản lý đến đâu, thẩm định thế nào, đặc biệt với danh mục bí mật của Bộ Quốc phòng, để đảm bảo tính khả thi. Ngoài ra, Luật cũng phải được xây dựng để hạn chế tối đa việc lợi dụng gây phiền hà và lạm dụng trong quản lý.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đưa vào những nội dung đầy đủ, cập nhật, tinh túy nhất để Luật có sức sống lâu dài, tránh việc vài năm lại thấy thiếu, phải sửa đổi, bổ sung”, đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhận xét.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội trong kỳ họp tới.

>>> Đọc thêm: Bộ Công an với Bộ Quốc phòng ‘tranh luận nóng’ về Luật An ninh mạng

Lưu Thủy

Nguồn VTC: http://vtc.vn/xa-hoi/nhieu-tai-lieu-tuyet-mat-toi-mat-cua-nha-nuoc-da-bi-lo-ra-ngoai.1-340657.htm